Kẻ Độc Hành là series phim đầu tiên tại Việt Nam được Netflix phát hành độc quyền trên toàn Châu Á. Bộ phim là tiền truyện của web-drama nổi tiếng làm nên tên tuổi của Huỳnh Lập – Ai Chết Giơ Tay. Vẫn mang đậm phong cách riêng và cho thấy sự nghiêm túc, chỉn chu của Huỳnh Lập với thể loại này nhưng mình thấy Kẻ Độc Hành lại thiếu đi tính bứt phá.
Bạn đang đọc: Kẻ Độc Hành: Vẫn mang phong cách của Huỳnh Lập nhưng lại thiếu bứt phá
Theo như mình được biết, năm 2018, sau khi phát sóng web-drama Ai Chết Giơ Tay của Huỳnh Lập đã tạo nên cơn sốt và kéo khán giả lại gần với những bộ phim khai thác về thế giới tâm linh. Sau đó, thừa thắng xông lên vào năm 2019, Huỳnh Lập lại tiếp túc ra mắt bộ phim Pháp Sư Mù – kể tiếp về hành trình của Tinh Lâm với phiên bản điện ảnh.
Kẻ Độc Hành chính là sự tiếp nối “vũ trụ linh dị” của Huỳnh Lập với vai trò đồng đạo diễn, biên kịch kiêm diễn viên chính của phim. Bộ phim lấy cột mốc khi Tinh Lâm (Huỳnh Lập thủ vai) mới bắt đầu “dấn thân” vào con đường trở thành pháp sư. Lúc này Tinh Lâm vẫn chưa gặp Thụy Du (Quang Trung thủ vai) và chưa kết giao với Liên Thanh (Hạnh Thảo thủ vai).
Kẻ Độc Hành gồm 8 tập phim với mỗi tập có thời lượng khoảng 45 phút, xoay quanh những câu chuyện tâm linh ở xóm làng được nối kết với nhau bằng luật nhân quả. Dưới đây là một số đánh giá của mình về tổng thể series Kẻ Độc Hành:
Phân bố thời lượng và tập phim
Theo mình, 8 tập phim là con số vừa vặn cho một series chiếu trên nền tảng trực tuyến vì nó có đủ thời lượng để truyền tải. Là người xem không sót tập nào của Ai Chết Giơ Tay, Pháp Sư Mù và dõi theo series Một Nén Nhang, mình không còn lạ gì với phong cách kể chuyện của Huỳnh Lập. Vậy nên với Kẻ Độc Hành, mình có phần hơi tiếc nuối vì 3 tập đầu của phim nhịp khá chậm và những sự kiện không mấy thú vị với mình.
Đến tập 4 và 5, có vẻ Kẻ Độc Hành đã bắt đầu vào nhịp và những màn hù dọa đã nặng đô hơn với mình. Càng về sau càng cuốn nhưng mình nghĩ có vẻ Kẻ Độc Hành đang tham kể nhiều cốt truyện phụ nên đôi khi không có đủ thời lượng để đào sâu vào một thứ.
8 tập phim Kẻ Độc Hành xoay quanh nhiều câu chuyện: tìm gia đình cho Linh Lan, cứu bé Sang, những sự kiện kỳ lạ trong gánh hát, sự thật về Quyên Hồng, sự ra đi của ông Tư,…Dù cho mình thấy hành trình chính của phim vẫn là tìm gia đình cho Linh Lan nhưng những câu chuyện trên cũng làm nó lu mờ đôi chút.
Kẻ Độc Hành vẫn thể hiện được hai thế mạnh của Huỳnh Lập là tâm linh và hài. Cũng như cấu trúc của những series phim thông thường, mình thấy Kẻ Độc Hành cũng phân bố theo kiểu một tập nói về diễn biến thông thường, chêm vào đó mảng miếng hài – một tập nói về sự kiện chính và những câu chuyện tâm linh. Tuy nhiên, đôi khi sự thiếu kiểm soát trong việc điều tiết đã khiến mình cảm thấy chưa thể cảm được miếng hài trong phim.
Cách xây dựng tuyến nhân vật
Kẻ Độc Hành có sự xuất hiện của những nhân vật cũ – góp mặt trong web-drama Ai Chết Giơ Tay và Pháp Sư Mù của Huỳnh Lập và đạo diễn Lý Minh Thắng nhưng cũng có một vài gương mặt mới. Tinh Lâm, Ông Vú và Liên Thanh là tuyến nhân vật cũ. Trong Kẻ Độc Hành, mình thấy ông Vú chưa có nhiều đất diễn và trở nên khá mờ nhạt. Tuy nhiên, mình nghĩ không có vấn đề gì vì nhân vật này cũng được khai thác rõ hơn ở phần phim sau.
Nhân vật Liên Thanh trong Kẻ Độc Hành cũng không có gì nổi bật nhưng lại làm mình cảm thấy khá khó chịu trong mỗi lần xuất hiện của cô. Liên Thanh chẳng tác động gì vào câu chuyện mà chỉ biết la lối và phá rối Tinh Lâm. Cá nhân mình cảm thấy nhân vật này khá thừa thãi và còn làm mình mất thiện cảm hơn với nhân vật ở Ai Chết Giơ Tay của cô.
Kẻ Độc Hành cũng có nhiều tuyến nhân vật mới, đa số là người đóng vai trò gợi mở vấn đề để Tinh Lâm đi vào khám phá câu chuyện. Từ Linh Lan, Quyên Hồng, dì Mai, Sang,…cho đến ông Tư mình thấy mỗi người đều được xây dựng có chủ đích rõ ràng.
Nhân vật Hữu Danh – đối thủ của Tinh Lâm xuất hiện như một sự châm ngòi cho những sự kiện khác trong tương lai. Nhưng theo mình biết thì Hữu Danh không góp mặt trong những phần phim tiếp đó như Ai Chết Giơ Tay và Pháp Sư Mù vậy nên nhân vật này cũng đặt ra cho mình nhiều dấu chấm hỏi. Mình nghĩ nếu tiếp tục sản xuất các phần phim khác, có thể nhân vật này sẽ trở lại.
Diễn xuất đồng đều và sự “chịu khó” của Puka
Kẻ Độc Hành có sự xuất hiện của khá nhiều gương mặt mới như Puka vai Quyên Hồng, Vy Vân vai Linh Lan, Trịnh Tài vai Hữu Danh, NSƯT Kim Tử Long vai Ông Lương, NSND Hồng Vân vai Dì Mai, NSƯT Công Ninh vai chồng Dì Mai và Duy Khánh Zouzou – Ngọc Phước – 5 Chà vai “bộ ba khẩu nghiệp”,…Đó đều là những cái tên có tiếng trong làng giải trí Việt.
Theo như mình đánh giá, Huỳnh Lập là một trong số ít những nghệ sĩ trẻ có tâm, có tầm, thực sự nghiêm túc, chỉn chu và tử tế với nghề. Những sản phẩm mà anh tạo ra luôn có sự đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng nội dung lẫn hình ảnh và nhận được rất nhiều sự nể trọng của bạn bè đồng nghiệp. Trong những tác phẩm của Huỳnh Lập cũng thường xuyên có sự xuất hiện của những nghệ sĩ gạo cội. Mĩnh nghĩ đây cũng là minh chứng rõ nét nhất cho việc họ đã đặt niềm tin lớn vào những tác phẩm của anh.
Tìm hiểu thêm: Minh Thu: Bạn gái Lãnh Thanh trong phim mới, từng học cùng Việt Hoa
Và dĩ nhiên với những cái tên bảo chứng cho chất lượng diễn xuất như trên thì Kẻ Độc Hành hoàn toàn thuyết phục với mình với sự biến hóa đa dạng của dàn diễn viên. Trong đó, đặc biệt nhất là Puka.
Puka là nhân vật phải “lên bờ xuống ruộng” cả nghĩa đen và nghĩa bóng nhiều nhất phim. Mình thấy được sự trưởng thành về mặt diễn xuất và hết mình hy sinh vì nghệ thuật của cô. Dù cho lúc tỉnh hay lúc điên, lúc là Quyên Hồng, là Linh Lan hay Ngọc Nga, Puka cũng thể hiện được sự khác biệt và thần thái của nhân vật. Vai diễn trong Kẻ Độc Hành chính là lần đầu tiên mình thấy Puka có sự biến hóa đa dạng đến thế.
Lồng ghép thông điệp về sự tử tế với nghề và tổ nghiệp
Được biết đến với những clip hài trên YouTube nhưng theo như mình tìm hiểu, Huỳnh Lập cũng có thời gian dài gắn bó với sân khấu. Và dù cho có là gì đi chăng nữa, anh vẫn rất giữ lòng thành kính với tổ nghiệp.
Trong Kẻ Độc Hành, có một vài tập phim nói về những sự kiện kỳ lạ diễn ra trong gánh hát. Ban đầu mình cứ tưởng là câu chuyện ghen tuông sinh thù hận như bình thường, nhưng rất may là với vai trò biên kịch, Huỳnh Lập đã không đi vào lối mòn đó. Thay vào đó, anh đã lồng ghép ý phê phán thói hư tật xấu của những người làm nghệ thuật nhưng sống sai trái với tổ nghiệp.
Sự xuất hiện của nghệ sĩ Nhã Thi trong vai cô đào hát Ngọc Nga để răn dạy đàn em sống cho phải phép và trân trọng những thứ gắn bó làm nên hình ảnh của bản thân đã khiến mình thực sự nổi da gà. Tuy sự kiện không được đẩy lên cao trào gay gắt nhưng mình thấy nó vừa vặn và trọn vẹn để truyền tải thông điệp không lan man.
Thông điệp sống tử tế với nghề cũng được thể hiện một lần nữa qua cảnh Tinh Lâm và Hữu Danh đấu pháp với nhau. Theo lời Hữu Danh thì việc đấu pháp giữa hai pháp sư là chuyện bình thường nhưng Tinh Lâm lại không nghĩ như thế vì anh biết điều đó sẽ làm tổn hại đến những linh hồn vô tội.
Đấu pháp là mỗi bên pháp sư sẽ đi thu gom âm binh và cho họ đấu với nhau trong cõi mộng. Âm binh sẽ triệt tiêu nhau cho đến khi hết sạch. Âm binh còn lại thuộc phe nào thì pháp sư đó sẽ giành chiến thắng. Vì ham giành thắng lợi mà Hữu Danh đã đánh các hồn ma hồn siêu phách tán và Tinh Lâm không đồng ý điều này để đã dừng lại cuộc chiến.
>>> Xem thêm: Puka thoát ra khỏi vùng an toàn trong vai Quyên Hồng ở Kẻ Độc Hành
Sau này, khi nói những lời từ biệt với Tinh Lâm, Linh Lan cũng nói với anh rằng: “Tu đạo là vì nghiệp lực chứ không phải để thể hiện bản thân”. Điều này cũng phần nào phê phán những pháp sư vì muốn chứng tỏ bản lĩnh mà bất chấp mọi hành vi vô đạo đức. Mình thấy nó cũng thể hiện được cái tâm với nghề – dù là pháp sư trong Kẻ Độc Hành hay là một đạo diễn, biên kịch, diễn viên của Huỳnh Lập.
Một số điểm trừ muôn thuở
Ngoài việc phân bố thời lượng như mình đã đề cập ở trên, Kẻ Độc Hành cũng có một vài điểm khiến mình cảm thấy chưa thực sự trọn vẹn. Cốt truyện phim vẫn là motif thường thấy trong những bộ phim kinh dị – tâm linh và khá dễ đoán. Thoại phim cũng còn khá vụng về trong một vài câu nói. Mình biết những câu thoại này đều được viết dựa trên chất liệu đời sống nhưng đôi khi nó lại hơi dư thừa.
Nhân vật Tinh Lâm trong Kẻ Độc Hành lúc này tính tình còn khá sốc nổi vì chỉ mới “hành nghề”. Thế nhưng việc lời thoại quá hiện đại và “bắt trend” của Tinh Lâm khiến mình có chút cảm thấy không phù hợp. Việc chêm từ tiếng Anh lẫn tiếng Việt trong câu thoại của Tinh Lâm như “job” hay “cancel” cũng làm mình không hiểu rõ mục đích.
Một điều thiên về cảm nhận cá nhân của mình nữa là có lúc mình cảm giác như Tinh Lâm có tình cảm với Linh Lan nhưng có lúc lại thấy có gì đó bí ẩn với Hữu Thanh trong câu thoại “không phải gu tui”. Sự không rõ ràng và mập mờ về xu hướng tính dục của Tinh Lâm, mình nghĩ nếu không cần thiết thì cũng không nên đưa vào để làm rối bộ phim.
Một số phân cảnh sử dụng kỹ xảo và tạo hình ma quỷ vẫn còn hạn chế nhưng ít ra nó cũng không làm giảm chất lượng hình ảnh của phim. Thực sự mà nói thì mình hiểu đây vẫn là điều Việt Nam chưa thể làm tốt bằng các nước bạn nên mình nghĩ chúng ta không nên khắt khe quá.
>>>>>Xem thêm: Phiên bản Black Panther mới khác biệt khá nhiều so với truyện tranh
>>> Xem thêm: Kẻ Độc Hành đạt top 1 phim dòng series tại Netflix Việt Nam
Nhìn chung, phần tiền truyện của Ai Chết Giơ Tay – Kẻ Độc Hành đã mang đến cho mình trải nghiệm vừa vặn với một cốt truyện mang hơi hướm liêu trai. Mình thấy được sự đầu tư về chất lượng kịch bản, diễn xuất và cả mặt hình ảnh của Kẻ Độc Hành từ đội ngũ ekip. Dù cho vẫn còn một số điểm trừ muôn thuở chưa thể khắc phục nhưng Kẻ Độc Hành vẫn là một bộ phim mà mình nghĩ bạn nên xem nếu yêu thích các phần phim trước đó của Huỳnh Lập là Ai Chết Giơ Tay và Pháp Sư Mù.