Đứa con tinh thần của đạo diễn Trần Hữu Tấn khai thác những gì xảy ra trước tầm vài chục năm trước câu chuyện Tết ở làng địa ngục. Phim bắt đầu khi đám cưới của cậu Sang (Gia Huy) và Phong (Hoàng Hà) diễn ra. Trong đám cưới, Phong thấp thoáng thấy bóng dáng của một người phụ nữ áo đỏ nhưng không ai tin cô. Dè đâu, một loạt cái chết bí hiểm liên tiếp diễn ra, những cái xác được đặt cạnh các rối như mô phỏng cái chết của nạn nhân khiến cả làng hoang mang, sợ hãi.
Bạn đang đọc: Kẻ Ăn Hồn: Bước tiến trong thể loại kinh dị – tâm linh Việt
Ngay từ những phút đầu tiên, Kẻ ăn hồn ghi điểm khi làm tốt vai trò hù dọa nhờ bối cảnh âm u, tăm tối với bóng ma cô gái áo đỏ. Phim đánh vào tâm lý khán giả khá tốt nhờ cốt truyện chặt chẽ, gọn gàng. Từng vụ án nối tiếp nhau và hé lộ nhiều sự thật đáng sợ. Đạo diễn Trần Hữu Tấn có sự lên tay, khi so sánh với tác phẩm Chuyện ma gần nhà (2022) hay mới đây nhất là Tết ở làng địa ngục. Anh áp dụng triệt để triết lí “show, don’t tell” khi dùng nhiều hình ảnh ma mị, tăm tối để dẫn dắt nội dung phim.
Nhiều quy luật tâm linh quen thuộc của người Á Đông được áp dụng. Cảnh tượng miêu tả dân làng bị đổ mồ hôi máu, đàn đom đóm cầu hồn và sự khác lạ khi về đêm của Phong mang đến những cú plot twist khó đoán. Tình thân – yếu tố không thể thiếu trong phim kinh dị Việt cũng nhiều lần được nhấn mạnh trong Kẻ ăn hồn. Nỗi đau mất con của bà Tam (NSƯT Chiều Xuân) và Dần (Hữu Tiến) khiến người xem xúc động. Sau đó, họ hóa điên, làm khổ chính mình và cũng khiến những người xung quanh sợ hãi.
Về phần hình ảnh, các đoạn phim nặng tâm linh được nhấn mạnh bằng tông màu đỏ với chi tiết vũng máu được vận dụng nhiều lần đúng lúc, đúng chỗ. Người xem có thể cảm nhận được sự biến đổi của từng nhân vật khi thế lực tà ác đang lẩn khuất, rình rập đâu đó.
Phim vẫn sử dụng chiêu trò jumpscare (hù dọa) quen thuộc, có thể đoán trước. Người xem không khó nhận ra sự tương đồng ở thủ pháp dàn dựng để hù dọa, từng xuất hiện trong Tết ở làng địa ngục, như những bài vè được lũ trẻ con đọc ám chỉ đến chuỗi vụ án, tình tiết Phong nghe ai đó gọi tên mình hàng đêm hay hình tượng bà lái đò chở vong.
Tìm hiểu thêm: Tập 1 Tết Ở Làng Địa Ngục: Quang Tuấn đi đến đâu, vong mạng đến đó
Có một chút đáng tiếc khi Kẻ ăn hồn chuyển cảnh đột ngột khi muốn giải thích nội tâm nhân vật cũng như các sự kiện. Chúng nên được tiết chế lại thay vì lạm dụng nhiều lần, làm giảm đi tính bất ngờ. Vì thế, những phân cảnh ấy cũng không tạo ra cảm giác ám ảnh, mà chủ yếu chỉ gây ấn tượng nhờ hiệu ứng âm thanh. Ngoài ra, tạo hình ma quỷ và màn hóa trang của dàn diễn viên chính lẫn phụ khá ổn, gây được sự ghê rợn.
Về mặt diễn xuất, Hoàng Hà là điểm sáng với nhiều phân đoạn tâm lý nặng đô. Cô khắc họa được sự trong sáng lẫn bí hiểm cùng tồn tại song song trong một người mang dòng máu thuần âm như Phong. Một tương lai tươi sáng đang chờ đón sao nữ 26 tuổi. Nhưng tiếc là bạn diễn Gia Huy lại diễn chưa “tới” trong nhiều cảnh đòi hỏi bùng nổ. Chemistry của cả hai cũng không thực sự ăn ý. Dù là khi họ là vợ chồng cho đến khi nhìn thấu chân tướng của nhau, Hoàng Hà và Gia Huy đều rất thiếu sự ăn khớp.
Lan Phương như mọi lần, cô không khiến tôi thất vọng bằng lối diễn nội lực. Trong khi đó, Huỳnh Thanh Trực có quá ít đất diễn. Các diễn viên gạo cội khác như NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Viết Liên… đóng tròn vai, “gánh” được nhiều đoạn khó.
Tựu chung lại, Kẻ ăn hồn một tác phẩm chỉn chu và có chất lượng ổn. Ê-kíp đã có những cố gắng và tiến bộ khâu biên kịch lẫn các kĩ thuật dàn dựng nhằm tạo ra một bộ phim kinh dị – tâm linh đặc sắc trong làng phim Việt.
>>>>>Xem thêm: Vũ khí của Hela trong truyện còn xịn hơn trong phim?
Phim công chiếu Toàn quốc từ 15/12/2023.