Mình thấy 2022 là một năm có thể thấy được sự nỗ lực của Hàn Quốc trong việc “tự làm mới chính mình”. Những bộ phim thuộc đề tài cũ hoặc câu chuyện nền hơi “khó xơi” đã được thổi hồn và tạo nên một kịch bản thú vị hơn. Có rất nhiều bộ phim mà theo như mình đánh giá, có thể xem là một bước tiến của phim Hàn Quốc.
Bạn đang đọc: Giới Hạn Truy Lùng: Nỗ lực làm mới cốt truyện cũ nhưng thiếu đột phá
Tuy nhiên, vẫn có những bộ phim dường như đang dậm chân tại chỗ và khiến mình nghĩ rằng phim chỉ đang “chạy deadline” cho đủ số lượng vì mang đến một câu chuyện quen thuộc, thiếu tính đột phá. Điển hình chính là The Limit (Giới Hạn Truy Lùng).
Giới Hạn Truy Lùng kể về nữ cảnh sát Yoon So Eun (Lee Jung Hyun), người đóng thế mẹ của một bé gái có liên quan đến vụ án đòi tiền chuộc đến 300 triệu Won. Thế nhưng không ngờ, sau đó con trai ruột của So Eun lại rơi vào vòng nguy hiểm vì bọn chúng muốn làm khó làm dễ cô. Ngoài việc đi tìm tung tích của bé gái như nhiệm vụ được giao ban đầu, So Eun còn phải tức tốc lên đường giải cứu con trai của mình.
Mình thấy Giới Hạn Truy Lùng đã tạo dựng tiền đề khá ổn cho câu chuyện của mình. Việc không bắt đầu vụ án một cách thông thường mà lại “đi đường vòng” để vào câu chuyện chính khiến mình cảm thấy thú vị hơn. Tức là con mồi ban đầu không phải là Da Hyun – con trai của Yoon So Eun mà là Ah Jin – con gái của một gia đình giàu có. Tuy nhiên, vì “cản trở” kế hoạch của bọn người xấu, chúng đã quyết định bắt luôn con trai của So Eun để cô ngoan ngoãn nghe lời.
Chính điều này đã khiến tâm lý của So Eun trải qua nhiều giai đoạn và cá nhân mình khi xem cũng cảm nhận được sự gây cấn hơn. Ban đầu, khi đóng giả làm mẹ của Ah Jin, mặc dù vẫn lo lắng cho cô bé nhưng mình thấy So Eun khá lạnh lùng. Dường như những tai nạn trong quá khứ khi làm nhiệm vụ tương tự với cô bé Mi Sun đã khiến So Eun mất tinh thần và không còn tin tưởng vào năng lực của chính mình.
Vẫn thực hiện nhiệm vụ và nỗ lực đưa cô bé Ah Jin trở về nhưng mình thấy So Eun đang làm điều đó trong trạng thái thất thần. Chỉ khi So Eun biết rằng Da Hyun cũng bị kẻ phản diện bắt đi, cô mới chính thức “nhập cuộc”.
Vì giai đoạn đầu, bọn người xấu nói rằng So Eun không được hé răng bất kỳ điều gì, nếu không chúng sẽ làm hại Da Hyun, vậy nên So Eun giấu nhẹm mọi thứ. Mình thấy tâm lý của So Eun lúc bấy giờ chuyển từ lo lắng bình thường thành sợ hãi và căm phẫn. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là cô phải nghiến răng chịu đựng nên càng làm tăng tính căng thẳng cho Giới Hạn Truy Lùng hơn.
Diễn xuất của diễn viên Lee Jung Hyun trong vai cảnh sát Yoon So Eun, mình thấy chính là một trong những điểm sáng nhất của Giới Hạn Truy Lùng. Ở Yoon So Eun, mình cảm nhận được sự bối rối, lo lắng đến phát điên và sự liều lĩnh bất chấp mọi thứ để tìm được con của mình. Lee Jung Hyun có gương mặt sắc lạnh và mình nghĩ đó cũng là điều giúp cô thể hiện tốt vai diễn Yoon So Eun.
Được ví như Hai Phượng của Hàn Quốc, yếu tố hành động của Giới Hạn Truy Lùng cũng là điểm mình khá quan tâm. Thật sự thì mình không ấn tượng với những phân cảnh hành động trong Giới Hạn Truy Lùng lắm. Mình thấy đó cũng chỉ là những phân cảnh “động tay động chân” bình thường và không quá dài hơi.
Tuy nhiên, mình thấy điểm cộng cho yếu tố hành động của Giới Hạn Truy Lùng chính là việc đa dạng trong việc lựa chọn bối cảnh. Phim đan xen giữa những phân cảnh hành động và việc truy lùng tung tích của cảnh sát Yoon cùng với những người đồng đội của mình. Chính vì vậy những phân cảnh hành động sẽ không quá nhiều nhưng sẽ được phân bố trải dài khắp phim.
Từ chạm mặt ớ căn cứ rồi mất dấu, đến gặp nhau ở công viên, quyết truy sát tận cùng ở khu rừng và “kết thúc” trên con tàu có Da Hyun, tuy những “tương tác” giữa hai bên không quá đặc sắc nhưng bù lại, mình thấy sự thay đổi bối cảnh cho mình cảm nhận được sự tăng tiến trong câu chuyện.
Điều mình cảm thấy thích ở Giới Hạn Truy Lùng chính là phim cho mình biết về quá khứ và lý do trở nên hắc hóa của tuyến nhân vật phản diện. Chính vì thế mình cảm thấy hiểu được động cơ hành động của chúng hơn.
Ông trùm Jun Park, kẻ đứng sau giật dây tất cả và kéo theo phản diện giấu mặt vào câu chuyện này thì không phải nói. Mình nghĩ chính đồng tiền đã tha hóa con người hắn. Còn 3 nhân vật được cho là quân cờ của Jun Park, bị ông sai khiến làm những chuyện thất đức hóa ra là những con người bị xã hội ruồng bỏ ngay từ nhỏ.
Tìm hiểu thêm: Ngọc Cốt Dao được coi là “Hoa Thiên Cốt phiên bản lỗi”
Chị em Hye Jin (Moon Jeong Hee) và Yoon Dong (Park Myoung Hoon) cũng bị bố “tác động vật lý” bằng những hành vi mất nhân tính ngay từ nhỏ. Vì không cảm nhận được tình yêu thương từ gia đình, đã vậy còn bị sang chấn về mặt tâm lý nên cả hai chị em trở nên căm ghét khi nhìn thấy người khác thể hiện tình thương với nhau.
Mình nghĩ những cú sốc khi mới chỉ là một đứa trẻ đó cũng gây ảnh hưởng về mặt tâm lý khá nặng nề cho Yoon Dong. Thông qua những hành động, cử chỉ và ánh mắt của Yoon Dong, mình thấy có sự quái dị trong đó.
Còn về người chị Hye Jin, mình nghĩ có thể lúc đó cô đã nhận thức được phần nào những chuyện xảy ra rồi nên sẽ không đến nỗi bị cú sốc tâm lý mà trở nên điên điên dại dại, chỉ là cô sẽ căm ghét thứ gọi là “tình cảm gia đình” hơn. Bi kịch của Hye Jin chính là bị thay đổi chức năng trong gia đình, từ một người chị lại phải chuyển sang gánh gồng, chăm sóc và nuôi dạy đứa em của mình như một người mẹ.
Có thể ngay tại thời điểm biết đến Hye Jin và Yoon Dong, mình cảm thấy căm phẫn, bất bình trước hành vi của họ. Thế nhưng sau khi hiểu về quá khứ của họ, mình lại cảm thấy thương cho họ nhiều hơn vì dù gì Hye Jin và Yoon Dong cũng chỉ là những con rối bị bỏ rơi và sai khiến.
Trường hợp của Hye Jin và Yoon Dong cũng phần nào phản ánh những mặt tối trong gia đình của xã hội Hàn Quốc. Tuy nhiên, mình thấy vì chỉ được nhắc đến thông qua việc tìm hiểu về quá khứ nhân vật nên nó chỉ được nhắc qua chứ không đi sâu. Cái chính trong Giới Hạn Truy Lùng vẫn nói về vấn nạn lạm dụng thân xác trẻ em để thực hiện những hành vi nhằm kiếm chát trên cơ thể của chúng.
Âm thanh cũng là một trong những điều khiến mình ấn tượng với Giới Hạn Truy Lùng. Nó được chêm vào những cảnh quay phù hợp chứ không dàn trải hết phim khiến mình biết được lúc nào là những cảnh quay quan trọng và tăng tính hồi hộp cho câu chuyện hơn.
Mặc dù làm tốt được ở nhiều mặt nhưng Giới Hạn Truy Lùng vẫn có nhiều điểm khiến mình cảm thấy phim chỉ đang dừng lại ở mức tạm và chưa thể so với nhiều phim Hàn ra rạp trước đó.
Đầu tiên chính là khúc đầu phim vào đề khá nhanh, nhanh đến mức mình chưa kịp định hình thế giới trong câu chuyện. Thế nhưng cách triển khai ở những phút đầu lại khiến Giới Hạn Truy Lùng trở nên dài dòng, lê thê. Phim đặc tả và đi sâu vào chi tiết những chỗ không cần thiết, mình thấy chỉ khiến nó tốn thời lượng. Chính vì vậy những phút đầu của Giới Hạn Truy Lùng thật sự rất thiếu sức hút và thách thức sự kiên nhẫn của mình.
Mặc dù đã nỗ lực làm mới câu chuyện truy lùng quen thuộc bằng cách tạo ra tiền đề mới nhưng mình thấy Giới Hạn Truy Lùng vẫn không thể thoát ra được vỏ bọc an toàn của những bộ phim cùng đề tài trước đó. Các bước triển khai trong Giới Hạn Truy Lùng không có gì quá mới mẻ và khiến mình cảm thấy bất ngờ.
Điểm khiến mình khá tiếc nuối là phim có twist nhưng lại để lộ nó sớm quá. Thậm chí phản diện giấu mặt khi không lại tự ra mặt ở giữa phim khiến mình cảm thấy chưng hửng. Chính vì vậy từ đó đến cuối phim, mình thấy mọi thứ đều được diễn ra một cách hiển nhiên.
Pha xử lý cuối cùng trên tàu, mình thấy lẽ ra là phân cảnh hành động “chiến” nhất phim, thế nhưng Giới Hạn Truy Lùng lại cho nó diễn ra một cách bình thường với thời lượng vừa đủ. Vậy nên mặc dù vẫn cảm thấy ổn nhưng nó lại hơi dưới mức kỳ vọng của mình vì xử lý quá trơn tru và “nhanh, gọn, lẹ”.
>>>>>Xem thêm: Món Quà Của Cha: Nghĩa và Thảo đang quá cực đoan với em trai út
Tóm lại, Giới Hạn Truy Lùng với mình hơi thiếu đi tính lôi cuốn vì phim được kể theo lối thông thường và không có cách triển khai quá mới mẻ. Mọi thứ trong Giới Hạn Truy Lùng đều hợp lý với logic của nó, những phân cảnh hành động cũng tạm ổn nhưng nó lại chưa có gì đặc sắc khiến mình phải đặc biệt ấn tượng.