Câu chuyện The Exorcist: Believer (Qủy ám: Tín đồ) bắt đầu với việc Victor Fielding (Leslie Odom Jr.) cùng người vợ đang mang bầu của anh nghỉ mát ở Haiti. Một trận động đất đã làm sập tòa nhà họ đang ở và chôn vùi vợ Victor. Các bác sĩ nói với Victor rằng họ có thể chỉ cứu được vợ anh hoặc đứa con gái chưa chào đời của anh. Kịch bản mô tả chính xác quyết định đó diễn ra như thế nào và nó ảnh hưởng đến Victor ra sao bằng những tiết lộ ở tương lai và trong những đoạn hồi tưởng.
Bạn đang đọc: Qủy ám – Tín đồ: Câu chuyện về trừ tà chưa đủ tầm so với thương hiệu
Mười ba năm sau, hai cha con Victor sống ở Atlanta, Georgia. Victor có một studio chụp ảnh chân dung đang phát triển. Cô bé Angela (Lidya Jewett) hiện 13 tuổi đã xin phép cha của mình để được đi chơi với người bạn thân nhất của cô là Katherine (Olivia O’Neill) có bố mẹ là người Công giáo. Thật không may, hai cô gái tuổi teen lại đi vào khu rừng gần trường học để chơi cầu cơ và vô tình giao tiếp với một linh hồn.
Tôi thích cách nhân vật Victor luôn nỗ lực vì con gái mình. Ngay từ đầu phim, chúng ta đã thấy hai người họ thân thiết đến mức nào. Khi Angela bắt đầu có dấu hiệu kì lạ, Victor đã cố gắng hết sức để giúp đỡ cô bé và bắt đầu nghĩ đến các giải pháp mang tính tâm linh.
Tương tự, mặc dù chúng ta không được biết nhiều về cuộc sống gia đình của Katherine, nhưng rõ ràng là bố mẹ cô ấy cũng sẽ làm mọi thứ cho cô. Ngoài tình cảm gia đình chiếm vị trí quan trọng trong The Exorcist: Believer, thì khái niệm cộng đồng cũng được nhấn mạnh không kém.
Victor đã tìm đến Chris MacNeil (Ellen Burstyn) với hi vọng chữa trị cho Angela. Chris MacNeil là nhân vật xuất hiện trong bộ phim gốc The Exorcist. Bà có con gái cũng từng trải qua một lễ trừ tà. Bà nói với Victor rằng những người có đức tin, cũng như đối tượng của đức tin, là chìa khóa để giải cứu Angela và Katherine khỏi thế lực chiếm hữu họ. Cảnh quay ở đoạn kết với rất nhiều người tập trung lại để giúp đỡ hai cô gái trẻ dù biết rằng quá trình này có thể nguy hiểm và thậm chí có thể gây tử vong khiến tôi thích thú.
Tìm hiểu thêm: Dragon Ball Super: Đồ họa nâng cấp nhưng vẫn giữ được chất riêng
Qủy ám: Tín đồ là phần đầu tiên cho bộ ba phim tái khởi động của loạt phim The Exorcist nhân dịp kỷ niệm 50 năm ra mắt (1973). Đạo diễn và biên kịch David Gordon Green nắm bắt được bầu không khí ám ảnh dai dẳng đã khiến phần đầu tiên trong loạt phim của William Friedkin thành công vang dội. Tác phẩm xoáy vào thế lực tà ác chiếm hữu hai cô gái trẻ và mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái cùng các mục sư đang cố gắng giải phóng họ khỏi cái ác.
David Gordon Green có sự nghiên cứu bản gốc và tái tạo một số kỹ thuật của bậc thầy kinh dị để khiến người xem cảm thấy sợ hãi. Ông thêm âm thanh (chẳng hạn như tiếng còi xe) khi chuyển từ cảnh này sang cảnh khác, hoặc chèn vào những cảnh cận hình ảnh của khuôn mặt ma quỷ, các vết thương đẫm máu, búa khoan… khi các nhân vật đang có những cuộc trò chuyện quan trọng. Tuy nhiên, bộ phim trở nên kém hấp dẫn hơn khi đi đến nửa sau vì năng lượng của câu chuyện bị phân tán thay vì tập trung vào hai nhân vật chính là Victor và con gái anh là Angela.
Ban đầu, Quỷ ám: Tín đồ có vẻ như là một tác phẩm trừ tà lấy Công giáo làm trung tâm, nhưng đây là một sự định hướng sai lầm. Hầu như các chuỗi phim trừ tà về cơ bản đều có nội dung và hình thức giống nhau, chẳng hạn như The Conjuring hay chính series Exorcist. Vì thế, tôi không hề ngạc nhiên hay ấn tượng bởi những phân cảnh cuối cùng.
>>>>>Xem thêm: Quái Vật Sông Mekong: Tạo hình bắt chước Godzilla, cốt truyện lạc quẻ
David Gordon Green đã không tận dụng được những thứ đã khiến bản gốc năm 1973 trở thành kiệt tác, lãng phí tiềm năng của bộ phim bằng một loạt các cảnh hù dọa rẻ tiền. Không thể phủ nhận phong cách của đạo diễn rất sáng tạo và đẹp mắt, nhưng Quỷ ám: Tín đồ chẳng khác gì một cái vỏ rỗng của một tác phẩm vĩ đại như The Exorcist.