Mang màu sắc đúng chất của những bộ phim gothic, thế nhưng điều đáng buồn với mình đó chính là Lời Nguyền Tầm Da lại không thật sự “cuốn” như mong đợi. Bộ phim xây dựng hàng loạt tình tiết liên quan đến phù thủy, lời nguyền, nhưng mang một cái kết lại quá nhân văn. Điều đó khiến mình thấy bộ phim có phần hơi khiên cưỡng khi lồng ghép thông điệp như vậy!
Bạn đang đọc: Lời Nguyền Tầm Da: Ý tưởng mới lạ nhưng triển khai khó hiểu
Lời Nguyền Tầm Da kể về hai chị em Nala và Luna phải dọn đến sống với bà ngoài một thời gian để bố mẹ tìm cách chữa trị căn bệnh cho cô em gái Luna. Trong khoảng thời gian ở đây, Nala phát hiện ra những điều kỳ lạ quanh cách cư xử của bà ngoại. Mỗi đêm cô thường mơ thấy ác mộng về một thực thể quỷ dị nào đó đang cố “xơi tái” Luna.
Sự xuất hiện của cô phụ việc Abigail tưởng chừng sẽ phần nào rũ bỏ gánh nặng cho Nala, nhưng khi thấy Abigail cùng anh chàng làm vườn Pedro ân ái một cách kinh dị. Nala phát hiện hóa ra vùng đất mình sinh sống có liên quan đến một lời nguyền phù thủy cổ xưa.
Sau khi mở đầu Lời Nguyền Tầm Da bằng một câu chuyện cổ tích về ba chị em phù thủy tại vùng đất trong phim. Rất nhanh mình thấy phim chuyển sang giai đoạn hiện đại cùng tông màu khá tươi sáng. Điều này khiến mình thấy nó rất dễ tạo sự tò mò cho mình, liên tục phải đặt câu hỏi rằng liệu truyền thuyết về 3 chị em phù thủy đó có liên quan gì đến diễn biến chính của phim.
>>> Xem thêm: Trailer Lời Nguyền Tầm Da: Kinh dị cổ điển, vay mượn từ Annabelle
Bám sâu vào điều này, Lời Nguyền Tầm Da dẫn mình đi đến những tình huống hù dọa khác nhau trong phim. Câu chuyện xoay quanh việc Nala và Luna đến sống với bà ngoại, tưởng rằng cuộc đoàn tụ bất ngờ sẽ tạo nên nhiều niềm vui cho 3 bà cháu.
Thế nhưng, ngay khi vừa gặp mặt, bà ngoại Josefa đã không ngừng buông lời chế giễu, châm biếm xối xả người mẹ Vecina. Điều đó khiến mình càng dễ lý giải cho câu nói của Nala: “Con có thể viết ra danh sách hàng loạt những sai lầm của mẹ đấy”.
Lời Nguyền Tầm Da với mình là một bộ phim kinh dị chưa thật sự hay và đủ đô ám ảnh bởi 2 lý do. Thứ nhất, kịch bản của phim tuy có phần mới lạ trong khâu lên ý tưởng, dàn dựng.
Nhưng mình thấy cách triển khai mọi diễn biến nhằm làm rõ quan điểm của đạo diễn và thông điệp mà bộ phim đưa tới khá lằng nhằng, thậm chí một vài phân đoạn khi cố gắng xâu chuỗi tất cả lại với nhau, mình vẫn không hiểu nó đang muốn nói về vấn đề gì.
Ở loạt phân cảnh mình mong chờ nhà làm phim sẽ làm tình tiết dễ hiểu hơn cũng như mở ra vấn đề của cô bé Nala, nhưng rồi họ lại đưa cho mình loạt thông điệp mờ hồ, khi thì về gia đình, khi thì về việc con gái đang trưởng thành, khi thì thế giới người lớn là một thứ gì đó phức tạp.
Tìm hiểu thêm: Vô Diện Sát Nhân: Phim lạm dụng jumpscare gây khó chịu
Thứ hai, diễn xuất của các diễn viên không ai để lại cho mình ấn tượng. Thủ vai Nala, nhưng cô bé Paola Miguel làm mình cảm thấy cô chưa thể hòa nhập vào nhân vật. Không phải là diễn viên phim kinh dị, thì chỉ cần la hét và hốt hoảng ở các phân đoạn jump-scare là được đâu! Thứ mình cần là cách họ thể hiện tâm lý và cân bằng rõ giữa sự bình tĩnh và mất kiểm soát.
Những cái tên khác như Guillermo (Arap Bethke), Abigail (Paloma Alvamar) hay Pedro (Mauro Gonzalez) cũng không để lại cho mình nhiều sự tin tưởng lắm! Ngoại trừ nhân vật bà ngoại Josefa do Ofelia Medina thủ vai và Vecina của Mildred Motta là còn cho mình thấy hết sự ám ảnh trong vai diễn của họ.
Thứ ba đó chính là lời chê trách của mình dành cho phần âm thanh của phim. Bộ phim được tạo với loạt tình huống jump-scare liên tục cùng nhịp phim nhanh, dồn dập, nhưng ở những tình huống đầu phim, mình còn làm quen và bất ngờ với âm thanh từ hiệu ứng jump-scare.
Sang đến tình huống thứ 4, thứ 5 và càng về sau, mình thấy nhà làm phim lạm dụng nó quá đà và nó khiến mình cảm thấy khá mệt mỏi. Đúng nghĩa âm thanh là “con dao 2 lưỡi” của Lời Nguyền Tầm Da.
Nói vậy nhưng không có nghĩa Lời Nguyền Tầm Da không có điểm tốt, bộ phim gây ấn tượng với mình nhờ ý tưởng làm phim khá lạ. Đặc biệt tính chất văn hóa dân gian mình nghĩ sẽ là yếu tố giúp bộ phim có thể nổi bật hơn những cái tên khác.
Cái hay chính là màu phim luân chuyển giữa sáng và tối, tuy nhiên dù ở thời điểm nào trong ngày, mình cũng vẫn thấy nó âm u, huyền bí như một cách báo hiệu cho mình nguy hiểm luôn trực chờ với chị em Nala, Luna.
Trong Lời Nguyền Tầm Da có đề cập đến nghi thức thay da, đặc biệt nhà làm phim đưa hình ảnh con Beccá, một dạng tín ngưỡng như Kumanthong của Thái Lan. Điều này khiến mình nghĩ ngay đến thông điệp của phim đó là mọi sự đánh đổi đều sẽ phải trả một cái giá cực đắt, những ước nguyện mà nhân vật khao khát, họ đều phải hy sinh một thứ gì đó. Bởi tâm linh vốn dĩ luôn như vậy!
>>> Xem thêm: Đưa Em Tìm Mối Tình Đầu: Giàu cảm xúc với chemistry ăn ý của cặp chính
Cuối cùng chính là cái tựa đề của phim khi được phiên dịch ra tiếng Việt. Tên gốc của phim là Mal De Ojo, phiên âm tiếng Anh nghĩa là Evil Eye, và khi về Việt Nam được chuyển ngữ thành Lời Nguyền Tầm Da, nghĩa là lời nguyền cho việc thay da.
Tuy nhiên nghĩ theo hướng kinh dị là vậy! Còn mình thấy nếu bạn nói lái lại “tầm da” thành “tà râm” thì cũng đúng nhé! Bởi vì các phân cảnh 18+ trong phim đều được quay một cách trần trụi nhất.
>>>>>Xem thêm: Mộng Du – Sleep (2023): Khi giấc ngủ là vũ khí chết người
Nói chung xét theo yếu tố đánh giá một bộ phim điện ảnh hay của mình, Lời Nguyền Tầm Da chỉ dừng lại ở mức 4/10. So với Nghi Thức Cấm hay Mồi Quỷ Dữ trước đó, mình thấy phim của đạo diễn Isaac Ezban không phải là đối thủ của họ.