Vẫn là một bộ phim thanh xuân với những chất liệu quen thuộc, 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) đã mang đến cho mình cảm giác bình yên, dễ chịu và gợi nhớ về mối tình thanh thuần đầu đời. Đáng yêu là thế nhưng mình thấy 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) không có được hiệu ứng lan truyền rầm rộ như một số bộ phim thanh xuân vườn trường khác. Trong bài viết này mình sẽ nêu một vài quan điểm tổng quan về bộ phim nhé!
Bạn đang đọc: Cô Gái Thế Kỷ 20: Gợi nhớ mối tình thanh thuần và đẹp đẽ đầu đời
20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) lấy bối cảnh năm 1999, xoay quanh cuộc sống của nhân vật chính – cô nữ sinh 17 tuổi Na Bo Ra (Kim Yoo Jung thủ vai). Bo Ra có một cô bạn thân là Yeon Du (Roh Yoon Seo thủ vai), từ nhỏ đã mắc bệnh tim nên cơ thể vô cùng yếu ớt. Bo Ra đã động viên, khích lệ bạn mình đi phẫu thuật tim. Và để Yeon Du yên tâm đi điều trị, Bora hứa sẽ giúp cô tìm hiểu về Baek Hyun Jin (Park Jung Woo thủ vai) – người mà cô đã phải lòng trong lần đầu gặp mặt ở cửa tiệm may đồ của mẹ.
Baek Hyun Jin cũng có một người bạn thân tên Woon Ho (Byeon Woo Seok thủ vai). Trong quá trình tiếp cận đối phương hộ bạn mình, Bo Ra đã bắt đầu có những cảm xúc đặc biệt với một trong hai chàng trai đó. Thế nhưng khi mọi chuyện vỡ lẽ, cô đành phải đưa ra quyết định lựa chọn vô cùng khó khăn.
Chất liệu quen thuộc từ cốt truyện đến hình ảnh, âm thanh
20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) mang đến cho mình dễ chịu vì hầu hết cảnh phim đều được tạo nên từ những chất liệu quen thuộc. Bối cảnh chính trong phim là một con hẻm nhỏ ở Cheongju và ngôi trường cấp 3 đậm nét thanh xuân. Những cảnh trên xe buýt, ở quán ăn, cửa tiệm thuê băng đĩa, bốt điện thoại và cả khu vườn đằng sau nhà tuy giản dị, gần gũi nhưng cũng vô cùng lãng mạn.
Những không gian trong 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) gợi nhớ cho mình đến rất nhiều bộ phim cùng đề tài nhưng chiếm vị trí số 1 trong lòng mình tính đến thời điểm hiện tại vẫn là Reply 1988 (Lời Hồi Đáp 1988). Tính cách của Bo Ra cũng có những nét tương đồng với nhân vật chính Duk Sun trong Reply 1988 (Lời Hồi Đáp 1988). Đó là một cô bé hồn nhiên, ngây thơ, tuy có chút sốc nổi, bốc đồng nhưng lại cực kỳ tốt bụng và hết lòng vì bạn bè.
Bo Ra và Woon Ho gặp nhau chính thức lần đầu khi hoạt động cùng trong câu lạc bộ phát thanh. Câu lạc bộ phát thanh cũng là nơi ươm mầm cho rất nhiều mối tình chớm nở và mình thấy dường như nó đã trở thành motif kinh điển của những bộ phim thanh xuân vườn trường. Hai nhân vật chính trong bộ phim gần đây nhất ra rạp về thời thanh xuân là Life Is Beautiful (Đưa Em Tìm Mối Tình Đầu) cũng gặp nhau ở một câu lạc bộ phát thanh và phải lòng nhau vì những thanh âm của giọng nói.
Từ những phân cảnh đầu tiên, 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) đã mở ra cho mình một không gian ngập tràn ánh sáng và ngọt ngào như chính mối tình đầu. Vẫn là tone màu tươi sáng chủ đạo nhưng 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) có sự phân bố đều ở từng khung cảnh. Lúc thì ánh sáng vàng, tím, lúc thì ánh sáng xanh, nhìn chung mình thấy khung hình nào cũng rất lung linh.
20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) không tạo nên những khung hình quá sắc nét mà có những lúc mình cảm thấy có sự mờ nhòe như một cuốn phim cũ kỹ. Tuy nhiên, mình lại thích điều này vì nó mang lại cảm giác hoài niệm về những miền ký ức.
20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) cũng có những khoảng lặng dành cho âm nhạc. Âm nhạc trong 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) tuy không quá đặc sắc nhưng những nét nhạc quen thuộc trong phim cũng tạo được không khí du dương và khiến mình dễ chìm đắm vào câu chuyện hơn.
Motif “lật kèo” vẫn tạo được xung đột thú vị
Bắt đầu câu chuyện với cuộc “điều tra” thông tin về người thầm thương trộm nhớ của Yeon Du – Baek Hyun Jin, Bo Ra đã có một hành trình dài với những tình tiết vô cùng thú vị. Tuy nhiên, mình nghĩ nếu chỉ có vậy thì phim sẽ chẳng có gì gây cấn. Có lẽ vì vậy mà 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) đã tạo ra tình huống “lật kèo” để tạo nên điểm thú vị cho phim.
Tìm hiểu thêm: Thuận Nguyễn – Trần Ngọc Vàng: Bật khóc khi xem phim Người Mặt Trời
Motif lật kèo này vốn dĩ không mới vì mình thấy trước đó đã có rất nhiều bộ phim thanh xuân vườn trường thực hiện. Việc giả lập thông tin để đánh lạc hướng nhân vật lẫn khán giả, sau đó đưa sự thật ra ánh sáng tạo nên cú twist bất ngờ đã không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, mình thấy trong 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20), cách làm này vẫn mang lại hiệu quả vì phim có sự thắt nút và mở nút tại thời điểm hợp lý.
Không “drama hóa” một cốt truyện đơn giản, 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) vẫn có cách xử lý vấn đề nhẹ nhàng nhưng không nhàm chán. Mình thấy cách phản ứng của nhân vật cũng rất thuận theo tâm lý tự nhiên và vì vậy cũng dễ tạo cho mình sự đồng cảm.
Gợi nhớ mối tình thanh thuần đầu đời
20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) không nói rõ Bo Ra và Woon Ho có phải là mối tình đầu của nhau không nhưng mình nghĩ điều đó cũng không mấy quan trọng. Điều mình muốn nói ở đây là tình cảm và những phản ứng hóa học của cặp đôi này trong phim vô cùng trong sáng và đáng yêu. Đó là một mối tình thanh thuần, tức là hoàn toàn không toan tính, không vụ lợi và không một chút pha tạp nào cả.
Mối tình “từ lạ thành quen”, “từ ghét thành thương” của Bo Ra và Woon Ho có những chuyển biến tâm lý vô cùng thú vị. 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) có sử dụng cách kể chuyện thường thấy trong những phim truyền hình dài tập là đổi ngôi để mang đến cho khán giả đa dạng góc nhìn.
Theo mình hiểu, ban đầu 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) được kể theo góc nhìn của Bo Ra. Sau đó đến gần cuối phim, có một vài đoạn hồi tưởng theo góc nhìn của Woon Ho để mình hiểu hơn về chuyện tình này. Tuy thật sự 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) không có nhiều điểm mới nhưng mình thấy biên kịch cũng có sự đầu tư tìm tòi, học hỏi và viết nên một chuyện tình đẹp, mang lại cảm giác dễ chịu.
Cái kết theo lối mòn gây hụt hẫng và tiếc nuối
20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) rất chu đáo và chỉn chu trong từng góc máy, từng khung hình và mang lại cho mình những thước phim “rất thanh xuân” dù cho đa số đều vay mượn từ chất liệu sẵn có. Thế nhưng cái kết phim lại khiến mình cảm thấy vô cùng hụt hẫng và tiếc nuối khi đi theo lối mòn Sad Ending để lấy nước mắt người xem.
Tại sao lúc nào cũng phải chia tay trong nước mắt? Tại sao lúc nào cũng phải không thể gặp lại nhau? Tại sao nhân vật chính phải hy sinh với một lý do như vậy?…Đó là những câu hỏi đặt ra trong đầu mình khi xem hết bộ phim.
Bi kịch hóa cái kết phim dường như đã trở thành “trào lưu” với những bộ phim ngôn tình hay thanh xuân vườn trường. Cá nhân mình trước giờ vốn dĩ không có nhiều ý kiến với những cái kết thế này nhưng mình nghĩ còn tùy vào trường hợp. Riêng với 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20), tưởng chừng như mọi chuyện đã êm xuôi và chắc chắn ai khi xem phim cũng mong muốn hai nhân vật chính được gặp nhau để tiếp nối câu chuyện tình yêu lãng mạn nhưng phim lại cho mình một cái kết quá thiếu tính thuyết phục.
Có thể Sad Ending sẽ gây ra tiếc nuối và làm người xem nhớ về bộ phim lâu hơn. Thế nhưng nghĩ ngược lại, mình thấy nó cũng có thể gây ra ức chế cho khán giả bởi những tình tiết vô lý. Những bộ phim gắn mác chữa lành nhưng lại cho một cái kết khiến khán giả giàn lụa trong nước mắt quả thật là điều đi ngược hoàn toàn với ý nghĩa ban đầu của phim.
>>>>>Xem thêm: So kè màn thể hiện của sao nữ sinh năm 1990: Tae Ri – Ji Yeon mãi đỉnh
Tóm lại, bỏ qua cái kết thì 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) vẫn là một bộ phim mang tính chữa lành với mình. Cảnh phim thật sự rất đẹp và lung linh đưa mình vào một không gian cực kỳ thơ mộng với những cảm xúc hồn nhiên. Không có quá nhiều thứ thật sự khiến mình ấn tượng về 20th Century Girl (Cô Gái Thế Kỷ 20) nhưng ít ra bộ phim có thể mang lại cho mình những phút giây vô cùng thư giãn, dễ chịu và hoài niệm về những mối tình thanh thuần đầu đời.