Phase 4 là một giai đoạn nhiều thăng trầm của MCU. Không chỉ mình mà rất nhiều fan lẫn non-fan đều có nhận định như vậy. Nó mở đầu với sự kỳ vọng rất lớn sau thành công của Avengers: Endgame. Nhưng sự trồi sụt của các dự án sau đó khiến rất nhiều người phải đặt ra nghi vấn rằng liệu Marvel có đang đi quá nhanh, đặt số lượng lên trên chất lượng?
Bạn đang đọc: Black Panther: Wakanda Forever – Chương sử thi hào hùng bậc nhất MCU
Cá nhân mình là một người xem khá dễ tính cũng dần cảm thấy nhàm chán với phong cách hài hước mà hãng phim này xây dựng. Mình thèm khát thấy được sự nghiêm túc mà các nhà làm phim đặt vào nhân vật thay vì chỉ coi đó là công cụ giải trí. Và thật may mắn khi đạo diễn Ryan Coogler đã làm được điều này với Black Panther: Wakanda Forever.
Câu chuyện phim diễn ra sau khi vị vua T’Challa đột ngột qua đời vì một căn bệnh lạ. Giữa lúc tình hình trong nước có nhiều biến động bất ổn, vương quốc Wakanda lại còn phải đối diện với hành động xâm lấn của các quốc gia khác nhằm khai thác nguồn tài nguyên Vibranium khổng lồ. Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ khi chính phủ Mỹ vô tình động đến Talokan, một quốc gia nằm dưới đại dương được cai trị bởi vua thủy tề Namor. Hắn ta tìm đến Wakanda với lời ép buộc phải hợp tác với mình nhằm tiêu diệt thế giới, nếu không sẽ tiến hành xâm lược. Gánh nặng lúc này đặt lên vai nữ hoàng Ramonda và công chúa Shuri, buộc họ phải đưa ra quyết định quan trọng.
Chất sử thi có thể được tìm thấy rõ nhất thông qua màu sắc trong phim. Black Panther: Wakanda Forever khiến mình có trải nghiệm khác hẳn so với những tác phẩm gần đây của Marvel. Nó phủ lên màu sắc trầm buồn, tiếc thương cho sự ra đi của T’Challa và của chính cố diễn viên Chadwick Boseman. Những phút đầu tiên khi đám tang của nhà vua diễn ra được chăm chút rất tỉ mỉ từ trang phục, diễn xuất, cảnh quay và cả âm thanh. Cách mở đầu như vậy có tính rủi ro rất cao nhưng nó vẫn để lại ấn tượng, khiến mình thực sự chìm đắm vào bầu không khí trang trọng đó.
Cuộc chiến giữa hai vương quốc Wakanda và Talocan cũng mang tính sử thi khá cao khi nó lột tả được xung đột chính trị giữa hai phe, chỉ có điều quy mô chưa thực sự hoành tráng như kỳ vọng của mình. Lý do dẫn đến cuộc đụng độ này được xây dựng một cách hợp lý, vậy nhưng cách xử lý lại quá an toàn và nhàm chán, motif na ná một vài bộ phim phase 4 khác.
Tìm hiểu thêm: Tương lai của Gamora trong MCU và lý do cô biến mất hậu Endgame
Bên cạnh những gương mặt cũ thì bộ phim cũng giới thiệu tới khán giả một vài nhân vật mới. Đầu tiên là Namor. Hắn được xây dựng đúng chất phản anh hùng, luôn hành động chỉ để bảo vệ lợi ích của bản thân và thần dân của mình. Từng ánh mắt, lời nói đe dọa của Namor đều cho thấy sự ngông cuồng mù quáng của hắn và điều ấy đôi lúc khiến mình phải sợ hãi. Nam diễn viên Tenoch Huerta đã có màn chào sân MCU không thể tuyệt vời hơn và cho thấy tiềm năng của anh trong các dự án tương lai.
Nhân vật mới thứ hai là Riri Williams hay còn được biết đến với biệt danh Iron Heart. Cô nàng tuy không có quá nhiều đất diễn nhưng đã kịp để lại ấn tượng về một thiên tài công nghệ, sự dí dỏm và còn đóng vai trò quan trọng trong kịch bản. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm hiểu nhiều hơn về Riri thông qua TV series đang được sản xuất và sẽ sớm ra mắt trên Disney Plus.
Với một bộ phim nghiêm túc như Black Panther: Wakanda Forever, hoàn toàn dễ hiểu khi đạo diễn tiết chế tối đa các câu đùa vô duyên. Sự hài hước tất nhiên vẫn hiện hữu nhưng chúng đều được đặt trong ngữ cảnh phù hợp để tạo được sự tinh tế, không có cảm giác lố lăng.
Đối với mình, Black Panther: Wakanda Forever là một trải nghiệm điện ảnh rất khác so với phần còn lại của MCU. Ngay từ cái tiêu đề, nó đã toát lên vẻ hào hùng, bi tráng của một câu chuyện mà ở đó các nhân vật phải chật vật vượt qua nỗi mất mát để tiếp tục sống. Ở trong bối cảnh bình thường, nó đã là điều gì đó vô cùng xúc động. Giờ đây, với mọi yếu tố bổ trợ khác như phần hình ảnh, âm thanh hay xung đột chính trị, chúng càng giúp cho kịch bản trở nên có sức nặng và đong đầy cảm xúc.
>>>>>Xem thêm: Huy Khánh: Từng yêu say đắm Tăng Thanh Hà, hối hận vì lấy vợ sớm