Hành trình của siêu anh hùng Báo Đen lại tiếp tục được nhà Marvel Studios vẽ thêm, dù rằng người kế nhiệm không phải là T’Challa (Chadwick Boseman). Mình thấy sự ra đi của cố diễn viên, phần nào tạo thêm thách thức cho nhà làm phim bởi giờ đây họ phải nghĩ ra một câu chuyện cần được kể tiếp cho cả vũ trụ điện ảnh Marvel và là sự khởi đầu cho cả vương quốc Wakanda. Tất cả mọi thứ đều được Black Panther: Wakanda Forever đáp ứng một cách vừa đủ với mình.
Bạn đang đọc: Black Panther 2: Tổng thể hay nhưng không đủ sức cứu phase 4 MCU
Black Panther: Wakanda Forever lấy bối cảnh sau sự ra đi của Đức vua T’Challa, Wakanda giờ đây như “rắn mất đầu” khi liên tục gặp những vấn đề, từ nội bộ bên trong cho đến các yếu tố chính trị đàng ngoài.
Vibranium – thứ tài nguyên đang bị các nước dòm ngó và bằng mọi cách phải sở hữu cho bằng được. Bởi trước đó kết thúc Black Panther, T’Challa từng hứa rằng sẽ mở cửa ngoại giao và chia sẻ nguồn tài nguyên với thế giới.
Thế nhưng giờ đây hoàng hậu Ramonda lại từ chối điều đó, dẫn đến nhiều lần phía an ninh, vệ binh của Wakanda bị tấn công. Tuy nhiên mọi người đều không hề biết rằng, phía sâu dưới lòng đại dương tối tăm kia, cũng có một vương quốc tên là Talokan, đang sở hữu vibranium. Đây chính là thành phố do Namor tạo dựng…
Trở lại màn ảnh rộng lần này, vương quốc Wakanda của Black Panther cho mình thấy rằng, họ đúng nghĩa là những người con của lòng bất khuất, tự cường, dù rằng người đứng đầu không còn, nhưng tinh thần bất diệt vẫn sôi sục trong mỗi người con của xứ Wakanda. Điều đó khiến mình thấy, Black Panther: Wakanda Forever thể hiện đúng tinh thần Wakanda bất diệt!
Khác xa với Black Panther (2018), Black Panther: Wakanda Forever mang màu sắc trầm lắng, u buồn với mọi sự tri ân dành cho T’Challa hay cố diễn viên Chadwick Boseman. Ngay cả phân đoạn giới thiệu logo của Marvel Studios, mình thấy nhà làm phim không hề để bất kỳ một tiếng nhạc nào vào, cũng không có hình ảnh các siêu anh hùng khác lần lượt hiện ra. Thay vào đó, tất cả chỉ là sự im lặng cùng tiếng gió hiu hiu và lần lượt những hình ảnh về nhân vật T’Challa do cố diễn viên Chadwick Boseman hiện lên.
>>> Xem thêm: Lyle, Chú Cá Sấu Biết Hát: Âm nhạc là điểm nhấn của phim
Phong cách tạo nên một siêu anh hùng lần này của MCU, mình đánh giá nó không mới nhưng lại hợp lý. Vẫn tuân theo mô típ nhân vật chính mất đi người thân, họ dày vò, đau đớn, thậm chí thu hẹp bản thân với thế giới và nếu sơ sẩy nhiều khả năng sẽ biến thành phản diện như Bucky một thời.
May mắn thay, nhân vật này lại có sự chỉ dẫn từ người thân và cả kẻ thù trước kia, nên họ không lầm đường lạc bước. Chính câu nói: “muốn xé toang cả thế giới”, nhân vật đã vô tình bị phản diện nắm thóp và xoay chuyển mọi thứ.
Đây chính là thời khắc mình thấy để nhân vật của chúng ta tự cho bản thân cơ hội, hoặc là siêu anh hùng để bảo vệ Wakanda như Black Panther, hoặc là phản diện, dìm cả thế giới xuống bể nước.
Mình đánh giá cách xây dựng tâm lý nhân vật ở Black Panther: Wakanda Forever có phần nổi bật hơn phần trước. Nếu ở phần 1, ngoại trừ T’Challa, nhân vật tiếp theo mình thấy nhà làm phim tập trung xây dựng đó là Erik Killmonger. Đến với Black Panther: Wakanda Forever, không những Shuri mà ngay cả hoàng hậu Ramonda, nữ tướng Okoye, phản diện Namor đều được khắc họa rõ từng điểm.
Tìm hiểu thêm: Ngọc Cốt Dao – Trần Duyên: Hơn nhau ở nam chính và khả năng gánh phim
Tin mình đi, xem trailer bạn cũng đủ thấy sự quả quyết và khẳng khái của nữ hoàng Ramonda như thế nào trong tình thế lần này, Okoye là người khiến mình bất ngờ nhất bởi nhân vật của cô được phép tỏa sáng trong phần phim lần này, còn Namor thì “miễn chê”.
Một Shuri tiếp cận với công nghệ bằng niềm đam mê của tuổi trẻ mà mình thấy ở Black Panther hay Avengers: Infinity War, thì đến với Black Panther: Wakanda Forever lại là một nàng công chúa xem công nghệ là phương thuốc chữa trị, là phao cứu sinh duy nhất giúp cô trong việc cai quản Wakanda ở con đường sắp tới. Một cách phát triển nhân vật đầy trưởng thành mà mình đánh giá khá cao ở MCU lần này.
Không những vậy, mình thấy Black Panther: Wakanda Forever vẫn không quên tri ân đến nhân vật Iron Man, bằng chứng là sự xuất hiện của cô bé Riri Williams (Iron Heart), màn chào sân đầy thú vị cùng bộ giáp mà đang được nhiều người tranh cãi bởi độ “hoạt hình” của nó. Tuy nhiên mình nghĩ hành trình của cô bé trong Black Panther: Wakanda Forever chỉ là mới bắt đầu, vai trò của Riri sẽ được nhà Marvel chú ý trong nhiều năm sau.
>>> Xem thêm: Marvel xác nhận “Người thông minh nhất” MCU đã có đối thủ mới
Các màn combat giữa 2 phe Wakanda và Talokan trong Black Panther: Wakanda Forever, mình thấy nhà làm phim đã cố gắng xây dựng chỉn chu hết mức có thể, nhưng vẫn để lộ một vài lỗ hổng trong khâu kỹ xảo. Đây chính là lý do vì sao mà mình đánh giá tổng thể Black Panther: Wakanda Forever hay nhưng không đủ sức cứu phase 4 của MCU.
Một số phân đoạn khá tối tăm, tạo cảm giác ngột ngạt khiến trải nghiệm của mình không thật sự thỏa mãn ở phần hình ảnh. Riêng phần âm thanh lại khác, phải nói Black Panther: Wakanda Forever như một đại tiệc âm thanh, cứu cánh cả kỹ xảo “3 xu” của phim. Đặc biệt, chất giọng của Rihanna ở bài Lift Me Up cuối phim tạo cảm xúc rất nhiều trong mình.
Bởi mình biết giờ đây chúng ta đang đón chào một Black Panther thế hệ mới và T’Challa vĩnh viễn ra đi như cách cố diễn viên Chadwick Boseman lần cuối xuất hiện trên màn ảnh rộng.
Trong phim, mình thích nhất là phân đoạn khi thần dân Talokan đến chiến tranh với Wakanda, góc quay đẩy từ dưới mạn thuyền lên mũi thuyền, hình ảnh Shuri trong bộ trang phục Black Panther mới cùng M’Baku và các tướng quân Dora Milaje cùng nhau hô vang khẩu hiệu “Wakanda Forever”. Nó như một châm ngôn cực kỳ “iconic” dành cho Black Panther nói riêng và cả Wakanda nói chung.
Mình thấy so với dòng phim siêu anh hùng, Black Panther 2 là một trong số hiếm hoi những phim tinh giảm rất nhiều cảnh hành động của các thế lực. Để trải nghiệm hướng đi mới, Black Panther: Wakanda Forever đã dành nhiều thời lượng để thực hiện các trường đoạn đánh mạnh về triết lý và tính nhân văn. Song, mình thấy điều này lại là một con dao hai lưỡi và sẽ là điểm yếu lớn cho phim trong mắt những ai mê hành động.
Bên cạnh đó, mình thấy Black Panther: Wakanda Forever dường như đang bị “lậm” vào phong cách làm phim của DC do đạo diễn Zack Snyder bởi có quá nhiều trường đoạn lạm dụng hiệu ứng slow-motion, điều mà phim Marvel rất hiếm khi gặp phải.
>>>>>Xem thêm: Tuyết Ưng Lĩnh Chủ: Nội dung nhạt, còn 2 thánh flop Hứa Khải – Na Trát
Nhìn chung mình nghĩ Black Panther: Wakanda Forever sẽ tạo nên một làn sóng dư luận gây tranh cãi khá nhiều trong thời gian này. Bởi mình thấy một số người sẽ cho rằng phim đã cứu vớt cả phase 4 của MCU, và ngược lại. Tuy nhiên mình đánh giá phim 8/10 bởi mình không kỳ vọng ở phim quá nhiều thứ, tất cả đều đáp ứng ở mức độ vừa đủ với mình.
Mở đầu phase 4 với Black Widow, khép lại giai đoạn “đầy biến động” với Black Panther 2. Một màn tri ân cả 2 nhân vật đã cống hiến cho Avengers trước đó. Hẹn gặp lại MCU ở phase 5.