Contorted (Nhà Kho Chết Chóc) mang đến một câu chuyện rành mạch, rõ ràng nhưng có nhiều chi tiết chưa được làm rõ và thiếu logic khiến trải nghiệm của mình chưa được trọn vẹn.
Bạn đang đọc: Nhà Kho Chết Chóc: Kim Bo Min diễn xuất ổn, góc máy nghiêng ấn tượng
Câu chuyện trong Nhà Kho Chết Chóc bắt đầu khi gia đình Myung Hye chuyển đến một căn nhà mới, nằm ở một vùng quê xa xôi hẻo lánh. Thiếu điều kiện kinh tế chỉ là bề nổi, ẩn sâu trong đó là vì người chồng của Myung Hye muốn cô rời xa chỗ ở hiện tại, nơi bủa vây cô bởi những ký ức buồn.
Ngay từ lúc mới đến căn nhà, Myung Hye đã nghe thấy những tiếng động lạ bên ngoài một chiếc nhà kho bị khóa cứng. Cô lập tức báo cho chồng mình nhưng anh ta lại không tin cô, cho rằng cô chỉ bị ảo giác. Myung Hye muốn mở chiếc nhà kho đó để kiểm tra nhưng chồng cô cứ ậm ừ cho qua và không nỗ lực để đáp ứng yêu cầu đó cho cô.
Khi ngày càng nhiều chuyện quái lạ xảy ra xung quanh căn nhà khiến cô trở nên bất ổn và quyết định mở cửa nhà kho. Không ngờ chính hành động đó của Myung Hye đã vô tình khiến cô gặp phải những tình huống oái oăm hơn khi phải đối diện với những suy nghĩ đen tối nhất của mình. Từ đó, Myung Hye bị biến chất trở thành một người xấu và không ngại ra tay với những người thân của mình.
Theo như mình thấy, cách đặt tiền đề cho câu chuyện, cả diễn biến và kết thúc của Nhà Kho Chết Chóc vẫn chưa có gì mới mẻ lắm. Chứng bệnh tâm lý khiến Myung Hye suy sụp về thể chất lẫn tinh thần trong Nhà Kho Chết Chóc cũng đã được khai thác rất nhiều trên phim ảnh. Nhà Kho Chết Chóc chỉ đơn giản là vay mượn những chất liệu có sẵn và xào nấu lại để tạo nên một bộ phim mới.
Điều mình thấy Nhà Kho Chết Chóc đã làm tốt đó chính là tạo dựng được không khí u ám, rùng rợn xuyên suốt bộ phim. Cách phim tạo ra sự đặc biệt cho ngôi nhà khi nói rằng nó “xiêu vẹo”, với mình cũng là một ý tưởng hay, như ngầm báo hiệu sẽ có điều gì bất ổn xảy ra trong ngôi nhà.
Không phải cách dẫn dắt, cũng không phải âm thanh hay ánh sáng, chính góc máy của Nhà Kho Chết Chóc mới là thứ khiến mình cảm thấy ấn tượng. Nhà Kho Chết Chóc có những cú máy pan (chuyển động xoay ngang) đưa mình đi “tham quan” một vòng căn nhà. Những cú oneshot cũng được tận dụng triệt để để kể câu chuyện một cách liền mạch và tạo nhịp độ căng thẳng hơn.
Đặc biệt, chính vì đặc tính “xiêu vẹo” của căn nhà mà Nhà Kho Chết Chóc có thể tạo ra những điểm thú vị như tiếng cót két hoặc là sự đổ vỡ, xốc xếch đồ vật khi gió thổi qua. Mình thấy những góc máy nghiêng cũng được dùng để nói về sự “xiêu vẹo”, méo mó này.
Một trong những điểm sáng của Nhà Kho Chết Chóc nữa là diễn xuất của diễn viên nhí Kim Bo Min trong vai con gái lớn Hee Woo. Hee Woo cũng là một trong những nhân vật có nhiều đất diễn nhất trong Nhà Kho Chết Chóc. Cô bé là một đứa con nuôi trong gia đình. Mình thấy cô bé Kim Bo Min đã diễn xuất rất tròn vai và cho mình thấy được sự mặc cảm của một đứa trẻ khi nhìn nhận về bản thân mình.
Ban đầu, Hee Woo cũng được nhận rất nhiều tình thương từ người mẹ Myung Hye của mình, nhưng không biết lý do vì sao, người mẹ lại ngày càng trở nên thay đổi. Ngoài mặt, Myung Hye vẫn tỏ ra quan tâm đến Hee Woo nhưng thực chất trong lòng cô lại oán trách con bé. Điều này không được làm rõ nguyên do trong Nhà Kho Chết Chóc, vậy nên nó vẫn là một dấu hỏi lớn với mình.
Hee Woo nhận thức được những gì đang xảy ra xung quanh mình. Cô biết về hoàn cảnh hiện tại của bố và mẹ. Cô hiểu là mỗi người đều đang có những trận chiến cho riêng mình. Vì vậy, Hee Woo rất ngoan ngoãn nghe lời và không bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì. Cô cũng không bao giờ làm gì khiến ba mẹ lo lắng.
Hee Woo cam chịu và chấp nhận mọi thứ chỉ để mọi chuyện êm đẹp. Mình nghĩ đó là do Hee Woo nhận thức được về hoàn cảnh của bản thân mình, rằng mình chỉ là một đứa con nuôi và qua những lời nói của Myung Hye, có lẽ cô bé nghĩ rằng mình là một gánh nặng với bố mẹ. Vậy nên Hee Woo chỉ biết im lặng và chịu đựng.
Tìm hiểu thêm: Chi Pu: Chị đại ma cà rồng với khí chất uy quyền trong Người Mặt Trời
Người mẹ Myung Hye cũng cho mình thấy được sự chuyển biến tâm lý trước và sau khi bị thao túng và “hắc hóa”. Seo Young Hee trong vai Myung Hye cũng diễn tâm lý và đặc biệt là ánh mắt vô cùng tốt. Ánh mắt của Myung Hye giống như những người bị bệnh tâm lý lâu ngày, rất buồn và thiếu sức sống. Còn khi đã đeo lớp mặt nạ và sống đúng với những gì bên trong mình, mình thấy ánh mắt đó bỗng trở nên “đáng sợ” hơn rất nhiều.
Vai diễn Myung Hye cũng đòi hỏi sự chuyển biến nội tâm liên tục. Khi thì bị hù dọa, khi bị tấn công, khi gặp ác mộng, khi gặp ảo giác, khi bị “hắc hóa”, khi trở về là một bà mẹ thương con nhưng bất lực trước hoàn cảnh thực tại,…Dù là khi nào, mình thấy Seo Young Hee cũng diễn khá ổn.
Những vai diễn còn lại trong Nhà Kho Chết Chóc cá nhân mình thấy khá mờ nhạt. Người chồng của Myung Hye lẽ ra có thể khai thác thêm vào để cho thấy lý do tại sao Myung Hye lại trở nên như vậy nhưng Nhà Kho Chết Chóc không làm điều đó. Nhân vật đó chỉ xuất hiện ở vài phân cảnh cung cấp thông tin nhưng lại rất thiếu sức nặng.
Con gái út Ji Woo và con trai thứ Dong Woo cũng chỉ làm nền cho câu chuyện chứ chưa khai thác sâu, có cùng được mà không có cũng được. Vai người phụ nữ mặc áo đỏ hay nói cách khác là người hàng xóm kỳ quặc cũng khá bình thường. Mình thấy về mặt tạo hình, tính cách và cả diễn xuất đều hơi đại trà nên không có gì để nhắc đến lắm.
Nhà Kho Chết Chóc cũng có nhiều chi tiết hơi thừa và có phần vô lý với cá nhân mình. Vị đạo sĩ mà từ đầu chủ động đến gặp Hee Woo có đưa cho con bé tấm danh thiếp. Đến khi phát hiện có điều bất thường, Hee Woo cũng đã tìm cách liên lạc nhưng không được. Vậy thì mình thấy cũng chẳng có ích lợi gì cả, nếu bỏ đi cũng chẳng sao.
Nhà Kho Chết Chóc cho mình thấy được diễn biến tâm lý và “cái kết” cho Myung Hee nhưng lại không đưa ra lý do tại sao cô ấy lại thành ra như vậy. Cuối phim Hee Woo có giải thích bằng lời là do Myung Hee yêu các con, cô ấy muốn chăm sóc cho các con một cách tốt nhất nhưng không thể nên buồn bực và nảy sinh chứng bệnh tâm lý.
Thế nhưng, với mình chỉ nói suông như vậy chưa đủ tính thuyết phục và rõ ràng đó cũng chỉ là những lý do rất thông thường, chưa đi sâu vào trường hợp cụ thể. Có thể đó là trường hợp chung, nhiều người gặp phải nhưng mình tin là bất kỳ trường hợp nào cũng đều có những ẩn khuất riêng khác nhau. Cái nên được làm rõ chính là tính cá biệt trong từng trường hợp đó.
Câu chuyện của người chồng cũng không được khai thác đến nơi đến chốn. Nhà Kho Chết Chóc chỉ mấp mé cho mình câu chuyện đó và thêm một nguyên do sau cùng khiến chồng Myung Hye phải rơi vào trường hợp đó. Đơn giản là chồng Myung Hye đạo văn của CEO nhà xuất bản và khiến ông ấy tức giận, tự kết liễu mạng sống. Vô lý ở chỗ là mình thấy xuyên suốt bộ phim dường như chồng Myung Hye chỉ lao đầu vào công việc chứ không phút giây nào tỏ ra tội lỗi hay nghĩ về chuyện đó. Anh cũng không có bất cứ diễn biến tâm lý phức tạp nào.
Một điều khiến mình cảm thấy vô lý nữa chính là khi bị thao túng và trở thành một bản sao của “người đi trước”, Myung Hye có những hành vi kỳ quặc đầu tiên chính là đi mua đồ ăn về cho cả nhà. Điều đặc biệt ở đây là cô mua thịt bò sống và gan sống. Myung Hee ăn ngấu nghiến một cách ngon lành và bắt Hee Woo ăn.
Lúc đó, chồng của cô vẫn còn bình thường nhưng lại mặc nhiên để Myung Hee làm điều đó. Thậm chí đến khi Myung nhai luôn cả dĩa thì anh ấy vẫn chẳng phản ứng gì. Khi Hee Woo nôn ra thì cũng chỉ vỗ lưng giúp con thôi. Với tâm lý người thường thì mình nghĩ là sẽ chẳng ai có thể phản ứng bình thường khi thấy vậy cả.
>>>>>Xem thêm: Truy Tìm Lính Đào Ngũ 2 (D.P 2): Gai góc, đen tối và gay cấn hơn
Tóm lại, mình thấy rằng mặc dù đã rất cố gắng để lái câu chuyện đi theo hướng hợp lý nhưng Nhà Kho Chết Chóc lại rơi vào chiếc bẫy êm ái của việc gò mình vào khuôn mẫu cũ kỹ. Phim đặt ra cho mình nhiều vấn đề nhưng lại không cho biết rõ nguyên do và đi đến cái kết quá vội vàng. Tập trung vào diễn biến là đúng nhưng thật sự mình thấy là cách làm đó không đủ để mình có thể tạo được chiều sâu cho câu chuyện trong Nhà Kho Chết Chóc.