Mình nghĩ nếu đã là fan của anime, bên cạnh Conan, Pokemon, One Piece…, thì những nhân vật huyền thoại như Goku, Gohan, Piccolo, Vegeta chắc chắn là một trong những tượng đài bất diệt của “quý bửu”, Dragon Ball vẫn luôn là một kiệt tác của Toriyama Akira. Mình thấy dù ở hình thức nào: manga hay anime, thì thương hiệu này vẫn luôn sở hữu số lượng khán giả đông nhất.
Bạn đang đọc: Dragon Ball Super: Nghe – nhìn đỉnh cao, “chiếu mới” như tôi phải mê
Buổi ra mắt của Dragon Ball Super: Super Hero đã chứng minh điều đó sau buổi premiere mình tham gia tối qua, hàng nghìn khán giả đã vỗ tay ào ào cho màn trình diễn cuốn hút từ các nhân vật trong phim. Dù là một “tấm chiếu mới”, nhưng mình vẫn không lạc lõng khỏi câu chuyện của Dragon Ball Super: Super Hero.
Dragon Ball Super: Super Hero bắt đầu với tham vọng thống trị thế giới của Magenta – chủ tịch công ty dược Red, vì muốn hồi sinh đội Ruy Băng Đỏ nên ông đành nhờ đến sự giúp đỡ của Hedo, một nhà khoa học nhí với kiến thức sinh học vững vàng, tạo ra hai người máy Android: Gamma 1 và Gamma 2. Đồng thời Magenta cũng bí mật kích hoạt Cell Max.
Lúc này Piccolo đang lo lắng việc Gohan đam mê bộ môn nghiên cứu mà bỏ dở việc tập luyện, đồng thời anh bị tấn công bởi một tên Gamma và lần theo dấu vết của hắn đến căn cứ địa của tổ chức Ruy Băng Đỏ, biết được âm mưu của Magenta và Hedo. Nhân cơ hội này, anh đành mượn tính mạng của Pan – con gái Gohan, để làm thức tỉnh bản năng chiến đấu trong Gohan.
Nói thật, Dragon Ball Super: Super Hero là tác phẩm anime đầu tiên của thương hiệu Dragon Ball mà mình xem, vì từ nhỏ mình chỉ dành thời gian để nghiên cứu truyện tranh là chủ yếu. Chính vì thế khi nhận được lời mời tham dự buổi công chiếu phim, mình đã hơi e ngại trước khả năng lĩnh hội kiến thức của phim.
>>> Xem thêm: Trailer Dragon Ball Super: Cuộc chiến tàn khốc nhưng vẫn tươi sáng
Tuy nhiên nếu bạn hỏi mình Dragon Ball Super: Super Hero có khó hiểu không? Câu trả lời sẽ không. Từ cốt truyện, nhân vật cho đến thông điệp mình cảm nhận được nhà làm phim muốn mở rộng đối tượng xem, chứ không hoàn toàn tập trung vào các khán giả hâm mộ của thương hiệu.
Chính vì thế mình thấy kịch bản không quá khó hiểu, các tình huống được sắp xếp và dàn trải đều đặn khiến mấu chốt của Dragon Ball Super: Super Hero hoàn toàn “nằm gọn” trong lòng bàn tay của mình.
Hãy yên tâm là đạo diễn sẽ cầm tay và đưa bạn qua các hành tinh cũng như những diễn biến trong phim. Đan xen vào đó, nhà làm phim vẫn khéo léo thuật lại một số chi tiết của phần phim trước để mình hiểu rõ hơn nguyên nhân của mọi thứ dẫn đến câu chuyện trong Dragon Ball Super: Super Hero.
Có thể thấy, không phải vì bản thân là một “tiền bối” của những anime sau này mà Dragon Ball phải chịu thua hay dè chừng về chất lượng cũng như kỹ xảo trong phim. Mình thấy cái tên Dragon Ball vẫn luôn trường tồn qua nhiều thập kỷ cũng nhờ phần đồ họa của dàn nhân vật và cách họ thiết kế kỹ xảo sức mạnh trong phim ngày một nâng cấp hơn.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về cách thần thánh tồn tại trong vũ trụ Marvel
Mình bắt gặp được một Piccolo tiến hóa với cấp độ mới nhờ việc Rồng Thần đánh thức sức mạnh tiềm ẩn trong anh, khiến anh trở thành một “Piccolo Da Cam”, mình phải sững sỡ trước độ “nhiệm màu” của Gohan bởi màn tiến hóa được nâng lên 3-4 cấp bậc, để rồi bước ngoặt lớn là cậu trở thành một “quái thú” với khả năng Makankosappo, đặc biệt là màn hợp nhất “thảm hại” của bộ đôi Trunks và Gotten để trở thành một cậu béo lộ rõ “quả đào” tròn trĩnh đầy ngộ nghĩnh.
Dragon Ball Super: Super Hero tạo cho mình một cảm giác rất thoải mái, mình cảm nhận nhà làm phim không đặt nặng quá vấn đề xây dựng mọi tình tiết trở nên thái quá để làm khó một “tấm chiếu mới” của anime như mình. Nói thật, mình thấy bộ phim đúng kiểu hoạt hình dành cho trẻ em độ 6-8 tuổi xem.
Mình thích Dragon Ball Super: Super Hero ở chỗ là cái tài của nhà làm phim đã biết giữ chân mình bằng những kỹ xảo sống động cộng với dàn âm thanh bắt tai từ những bản nhạc nền hùng dũng được vang lên mỗi khi dàn nhân vật tấn công nhau. Quả thật, trận chiến trong phim khiến mình thấy phần phim cứ như là một hồi kết của thương hiệu này vậy.
Mặc dù Goku và Vegeta không trực tiếp tham gia trận chiến cùng Piccolo, Gohan, đội của Bulma, nhưng không vì thế mà sức nóng của diễn biến trong phim hạ nhiệt, mình thấy dàn nhân vật vẫn thống lĩnh và làm chủ được mọi thứ.
Điều đó phần nào chứng minh cho mình biết rằng, nếu không có Goku thì Dragon Ball vẫn còn có những thế hệ sau, những nhân vật khác đồng hành và xây dựng thương hiệu này. Tiếc một điều là Goku phần này khá mờ nhạt, cậu chỉ xuất hiện cùng Vegeta, Broly và Beerus tại hành tinh của Thần Hủy Diệt.
Bên cạnh đó, việc tạo hình của dàn nhân vật trong phim đa dạng, khiến mình phải mê mệt với Gohan đầy phong độ, bé Pan lém lỉnh, cá tính, tiến sĩ Hedo tinh nghịch, mưu mẹo và cô nàng Bulma với những tham vọng của một người phụ nữ hiện đại.
Mình tin chắc chắn, Dragon Ball Super: Super Hero nếu không thể khiến bạn hiểu rõ câu chuyện hơn, thì cũng sẽ buộc bạn dành trọn 100 phút để chứng kiến độ đáng yêu hết sẩy của những nhân vật trong phim.
Cuối cùng mình chỉ muốn dành lời khen đến cách Dragon Ball Super: Super Hero đã tạo nên một bộ phim như lời tri ân cho những khán giả đã đồng hành cùng thương hiệu trong suốt hơn nhiều thập kỷ qua. Cách nhà làm phim hiện đại hóa khung hình, màu sắc hóa ở một vài tình tiết đã xuất hiện trong quá khứ, khiến mình xem nó như một “tấm vé vàng” đưa bản thân trở về với chuyến xe tuổi thơ của thế hệ 9x.
>>> Xem thêm: Xếp hạng nhân vật trong Dragon Ball: Goku vẫn là siêu sao vô địch
>>>>>Xem thêm: Cassie Lang – con gái của Ant-Man trong truyện khác gì trên phim?
Đánh giá chung, Dragon Ball Super: Super Hero là một cuộc chiến dành cho những anh hùng, những nhân vật đã góp phần làm nên thương hiệu 7 Viên Ngọc Rồng, mọi thứ từ cốt truyện, hình ảnh, nhân vật, thông điệp đều được phát triển trọn vẹn xuyên suốt thời lượng. Xứng đáng là một bom tấn anime cho mùa hè năm nay.
Còn bạn. Bạn nghĩ sao về bộ phim này? Hãy để lại bình luận cho Bánh Đúc nhé.