Chúng ta thường nghe thông tin nhiều đoàn phim Hoa ngữ chi ra hàng trăm triệu CNY để sản xuất. Thật ra, bên cạnh những dự án giàu có đó, xứ Trung chẳng thiếu những đoàn phim nghèo, làm đủ mọi cách để tiết kiệm chi phí. Ví như Sơn Hà Lệnh dùng photoshop để tạo diễn viên quần chúng, Thái Tử Phi Thăng Chức Ký mua đồ taobao… Và còn không ít đoàn phim gây bão vì hành trình vượt khó khiến khán giả như mình vừa buồn cười lại vừa chua xót.
Bạn đang đọc: 5 đoàn phim nghèo nhất Cbiz: Diễn viên pts, 1 người đóng chục vai
Tư Đằng
Tư Đằng là bộ phim gây bão Hoa ngữ năm 2021 vì nội dung hấp dẫn cùng nhan sắc đỉnh chóp của nữ chính Cảnh Điềm. Ban đầu, phim không được các nhà đầu tư đánh giá cao nên kinh phí sản xuất cũng rất nghèo nàn, chẳng thể mua nổi phục trang tử tế cho Cảnh Điềm. Đó là lý do mà nữ chính phải cho đoàn phim mượn bộ sưu tập xường xám của mình.
Không chỉ thế, đoàn phim còn nghèo đến mức đạo diễn Lý Mộc Qua phải đảm nhận một vai diễn nhỏ để tiết kiệm cát-xê. Dàn nhân viên phim trường hay phóng viên cũng phải góp mặt trên phim đầy bất đắc dĩ. Và phần cơm mỗi ngày của đoàn phim cũng rất đạm bạc.
Tây Du Ký
Tây Du Ký cũng là đoàn phim nghèo có tiếng của màn ảnh xứ Trung. Thuở ấy, kinh phí quay phim thấp nên dàn diễn viên phải một người đảm nhận hàng chục vai khác nhau. Ví dụ như Lục Tiểu Linh Đồng, ngoài vai Tôn Ngộ Không thì ông còn hóa thân thành 16 nhân vật khác nhau, từ nhà sư, yêu tinh cho đến đạo sĩ…
Những món đạo cụ trong phim cũng được làm từ xốp hay giấy nên thường bị hư hỏng bất ngờ. Ví dụ hòn đá trên thiên giới hay cây quạt Ba Tiêu của Thiết Phiến công chúa…
Hay cảnh quay ở Long Cung vì thiếu kinh phí và thiết bị mà đoàn phim phải chơi chiêu. Nghĩa là thay vì quay dưới nước hay phông xanh, người ta sẽ để hồ cá trước ống kính để tạo hiệu ứng sóng nước hay bọt khí.
Thái Tử Phi Thăng Chức Ký
Tìm hiểu thêm: Fast and Furious X: Vin Diesel hóa “thánh” chống lại Jason Momoa
Nếu nói đến những đoàn phim nghèo thì chẳng thể thiếu được Thái Tử Phi Thăng Chức Ký. Đoàn làm phim nghèo đến mức cả đoàn phim chỉ có một thỏi son môi nên dàn diễn viên phải dùng chung.
Sầu riêng là đạo cụ xuất hiện xuyên suốt cả bộ phim, nhưng vì quá nghèo mà người ta chỉ có thể mua 1 trái. Cứ mỗi lần quay xong thì tổ đạo cụ sẽ cất vào tủ lạnh để bữa sau tái sử dụng.
Quần áo hay giày của dàn diễn viên đều là hàng giá rẻ nhất được đạo diễn mua trên sàn điện tử.
Thứ mắc tiền nhất chính là quạt điện được dùng cho những cảnh váy áo tung bay. Vấn đề duy nhất là chiếc quạt này thường bị rò điện nên nhân viên hậu trường luôn phải sử dụng thật cẩn thận.
Sơn Hà Lệnh
Sơn Hà Lệnh là bộ phim đam mỹ cuối cùng gây bão màn ảnh Hoa ngữ trước khi thể loại phim này bị “cấm cửa”. Thế nhưng, ít ai biết được tác phẩm lăng-xê thành công cho Trương Triết Hạn cùng Cung Tuấn lại từng lao đao vì kinh phí nghèo nàn, quay phim trong cảnh “giật gấu vá vai”.
Ví dụ như đoàn phim không đủ kinh phí để chi trả cho diễn viên quần chúng, thế nên họ đành phải dùng thủ thuật photoshop để biến 1 người thành 3 người. Đáng tiếc, vì đội hậu kỳ quá non tay mà khán giả phát hiện ngay từ khoảnh khắc đầu tiên.
Hay vì quá nghèo mà đoàn phim còn chẳng làm được cảnh mưa nhân tạo. Họ quyết định phó mặc mọi thứ cho ông trời, chờ ngày đổ mưa thật mới dám quay. Kết quả là mưa to quá nên dàn diễn viên phải trầy trật mãi mới quay xong.
Võ Lâm Ngoại Truyện
>>>>>Xem thêm: Duyên Ma: Ý tưởng mới nhưng khai thác chưa đủ sâu
Võ Lâm Ngoại Truyện được khán giả xứ Trung xếp vào hàng kinh điển, xem đi xem lại hàng chục lần vẫn không thấy chán. Thế nhưng, đây cũng là đoàn phim nghèo có tiếng của Hoa ngữ đó. Ví dụ như những cảnh ăn uống trong phim đều được quay vào giờ cơm của dàn diễn viên, nhờ thế mà họ tiết kiệm được chi phí chuẩn bị đạo cụ thức ăn.
Đây chỉ là 5 trong rất nhiều đoàn phim nổi tiếng vì hành trình vượt khó. Dù vất vả và gian nan là thế nhưng họ vẫn tạo nên những tác phẩm kinh điển cho khán giả, khiến người ta phải thán phục không thôi về sự sáng tạo. Dĩ nhiên, trong số đó mình ấn tượng nhất là Tây Du Ký, tác phẩm huyền thoại của màn ảnh xứ Trung.