Kẻ Ăn Hồn là một trong những bộ phim điện ảnh được mong chờ nhất năm 2023, sức nóng của bộ phim được bắt nguồn sự đón nhận của khán giả với mini-series Tết Ở Làng Địa Ngục.
Bạn đang đọc: Đạo diễn Trần Hữu Tấn – NSX Hoàng Quân: Liều mình làm liên tiếp 2 phim
Hai dự án phim được quay liền kề nhau nên những áp lực, khó khăn ekip đã phải trải qua là không hề ít, đây cũng là một trong số ít những ekip dám thử thách mình với việc thực hiện liên tiếp hai bộ phim mà không có quãng nghỉ. Vậy hãy cùng Dienanh.net lắng nghe những lời tâm sự, chia sẻ của bộ đôi cầm trịch hai dự án phim là đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân về những thử thách ekip đã phải đối mặt trong suốt thời gian ghi hình ròng rã hơn 109 ngày.
Xin chào đạo diễn Trân Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân. Đầu tiên, về quá trình làm phim Kẻ Ăn Hồn, ekip đoàn phim đã gặp phải những khó khăn gì?
Hoàng Quân: Quân nghĩ bản chất của công việc làm phim đã là một công việc có rất nhiều bài toán cần phải giải, có những bài toán rất dễ dàng để giải, nhưng cũng có trường hợp rất khó khăn để đi tìm đáp án cho bài toán đó.
Đối với “bài toán” Kẻ Ăn Hồn thì nó đặt ra cho Quân và tất cả anh em trong ekip là phải sinh sống, làm việc trên một vùng đất không thuận tiện cho việc sản xuất phim, không có điện, không có nước, không có chỗ ở và thời tiết lại rất khắc nghiệt.
Ngoài ra, bản chất của Kẻ Ăn Hồn là một phim cổ trang thuộc thể loại kinh dị, kỳ ảo cho nên những yếu tố về phục trang, tạo hình nhân vật, hóa trang, kỹ xảo cũng là bài toán mà Quân và Tấn phải giải trong suốt quá trình làm phim.
Trần Hữu Tấn: Bộ phim Kẻ Ăn Hồn vốn đã gặp rất nhiều thử thách ngay từ lúc đoàn phim đi bối cảnh.
Đầu tiên, mình xác định phim sẽ quay ở Hà Giang nhưng như mọi người biết thì ở Hà Giang nhiều nơi vẫn chưa có sóng điện thoại, cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện, vì vậy để quay phim, để di chuyển gần 200 con người của đoàn phim lên một nơi như thế là việc cực kỳ khó.
Chưa kể, địa điểm được chọn là làng Sảo Há, là nơi không có một xe tải hay xe thiết bị nào có thể lên được nên chỉ còn một lựa chọn duy nhất là di chuyển mọi thứ bằng xe máy.
Mỗi chuyến xe máy chỉ chở được một người và một thiết bị, vì vậy để đem được cả đoàn phim lên làng Sảo Há để quay hơn 109 ngày thực sự là điều rất vất vả, là một bài toán rất nan giải.
Hoàng Quân: Quân nghĩ bài toán đó khó thật đó, nhưng vì quá đam mê bối cảnh, mong muốn được làm việc trên bối cảnh đó nên anh em trong ekip đã gật đầu, chấp nhận hết những thử thách của dự án.
Trần Hữu Tấn: Mọi người trong ekip phải rất đam mê mới có thể trụ lâu đến như vậy. Trong quá trình quay, có những ngày của tháng 1, nhiệt độ xuống thấp đến mức có 1oC, còn ban ngày cũng chỉ 3-4oC, rồi gió, rồi nước.
Có lúc cả một tuần lễ mọi người đều không tắm vì quá lạnh, chính vì vậy, quay phim được một thời gian ai cũng được có ghẻ (cười). Mọi người bị dị ứng nước và nó lở người, nhất là các bạn nữ nhìn rất là thương, rất là xót nhưng tất cả đều không bỏ cuộc, càng có quyết tâm làm bằng được bộ phim này.
Hoàng Quân: Trên bối cảnh không có nước nên Quân có nghĩ đến việc là phải dẫn nước về mà mọi người biết Hà Giang có địa hình đồi núi, là cao nguyên đá, hầu như rất khó để tìm kiếm các mạch nước ngầm. Người dân ở đây đa phần đều phải lưu trữ lượng nước mưa hằng năm vào những bể chưa và sẽ dùng dần trong năm.
Thế thì mình phải tính đến phương án đi mua nước bằng xe bồn, rồi vận chuyển đến trạm bơm mình tự xây dưới chân núi và sau đó kéo nước qua hai ngọn đồi lên độ cao gần 2000m để có thể cấp nước cho cả làng.
Ngoài ra ekip sẽ phải vận chuyển từng thùng nước lên trên làng để mọi người có thể sử dụng thì Quân nghĩ chỉ riêng với vấn đề nước để có thể sinh hoạt, làm việc, nó cũng đã là bài toán nan giải, nhưng bù lại Kẻ Ăn Hồn và Tết Ở Làng Địa Ngục đã có một bối cảnh hết sức tuyệt vời.
Việc tất cả mọi người đều tập trung ở làng để cùng làm việc, nó giúp cho diễn viên hóa thân vào vai diễn rất tự nhiên, họ trở thành người dân làng thực thụ, sống và tận hưởng thời tiết trên làng.
Diễn viên trong ekip phải chịu những khó khăn trong sinh hoạt như: Ngủ lều, tẩy trang dưới thời tiết rất lạnh, côn trùng, rắn,… nhưng rồi tất cả mọi thứ đều được đền đáp xứng đáng khi bộ phim ra rạp nhận được những đánh giá tích cực từ phía khán giả.
Từ nãy đến giờ, dường như NSX Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn chỉ đang nói về cái khó của những người khác chứ chưa nói đến khó khăn của riêng hai anh nên mọi người cũng đang rất tò mò về cái khó của hai người cầm trịch bộ phim từ Tết Ở Làng Địa Ngục đến Kẻ Ăn Hồn.
Đầu tiên là về trang phục, đây là yếu tố rất nhiều người thích và họ phải công nhận rằng cả hai phim đều được làm rất chỉn chu và cái khó của việc phục dựng nên những trang phục, chọn lựa đưa vào phim cho phù hợp cũng như tôn vinh vẻ đẹp của trang phục truyền thống Việt Nam mà không gây tranh cãi mới là điều đáng quan tâm.
Hoàng Quân: Từ lúc đầu tiên khi Tấn và Quân làm dự án này thì đúng là Quân rất lo lắng về vấn đề phục trang.
Chính vì vậy, ngay từ ban đầu, Quân đã mời anh Phan Thanh Nam (Họa sĩ Ấm Chè) tham gia với vai trò cố vấn lịch sử để có thể có được những thông tin hữu ích trong việc xây dựng tạo hình nhân vật và bắt đầu triển khai việc sản xuất phục trang. Mọi người cũng biết bản chất mình chỉ là một người làm phim, nên về những yêu tố khác như cổ phục thì bản thân làm sao giỏi bằng những chuyên gia được.
Chưa kể, khán giả bây giờ rất thông thái, có những người nghiên cứu rất sâu về văn hóa và phục trang, thậm chí cái nút áo phải như thế nào? Bằng chất liệu gì? Màu sắc vải ra làm sao? Rồi từng họa tiết, phụ kiện trên trang phục được thiết kế theo hình tượng gì và có xuất xứ từ giai đoạn nào?
Những yếu tố đó, thực sự mình không thể nào biết được cặn kẽ và chi tiết được nếu không có sự cố vấn của nhà sử học Phan Thanh Nam.
Trần Hữu Tấn: Nói chung, làm gì làm thì phục trang của Kẻ Ăn Hồn cũng phải dựa theo cổ phục và Việt phục, đó cũng là tiêu chí bắt buộc để làm lên tác phẩm này.
Vấn đề này rất khó, để lấy cảm hứng từ cổ phục, Việt phục thì đầu tiên phải có một kiến thức nhất định về nó, tiếp theo là khi lên màn ảnh thì bộ phục trang đó phải có tính thẩm mĩ.
Vì thế mà anh Phan Thanh Nam, anh NaBongChua (Giám đốc phục trang), họa sĩ Duy Văn là người phác thảo lên những trang phục đó, cùng sự tư vấn của tác giả (nhà văn Thảo Trang), sự giám sát chặt chẽ của anh Quân và tôi thì may mắn thành quả cuối cùng đã cho ra những bộ phục trang vừa ý.
Từ những vai nhỏ như dân làng, cho đến những vai quan trọng, tất cả đều được xem xét kỹ càng từng bộ trang phục và không chỉ về kiểu dáng mà còn về chất liệu. Làm thế nào để diễn viên cảm thấy thoải mái khi mặc, sao để phù hợp với thời tiết, địa hình, xuất thân, gia thế của nhân vật vì phục trang cũng là một thành tố quan trọng trong ngôn ngữ điện ảnh.
Khi mặc trang phục đó, màu sắc đó, chất liệu đó, kiểu dáng đó phải nói lên được tính cách hay ngụ ý mà đạo diễn muốn truyền tải trong khung hình cho khán giả hiểu thì tất cả đều được tính toán rất kỹ lưỡng.
Ý tưởng để tạo ra những hình tượng như: Mặt nạ chuột, con rối,… nó đến từ đâu và quá trình ekip Kẻ Ăn Hồn đã nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm đó như thế nào?
Hoàng Quân: Điều khởi nguồn quan trọng nhất nó đã đến từ nhà văn Thảo Trang, câu chuyện gốc trong tiểu thuyết của Thảo Trang đã có những yêu tố và chất liệu văn hóa dân gian đó rồi. Còn việc biến nó trở thành hình ảnh như thế nào thì Quân và Tấn đã làm việc cùng họa sĩ thiết kế, cố vấn sử học để có thể lấy những chất liệu từ trang sách để biến nó thành hình ảnh.
Ví dụ như trong Tết Ở Làng Địa Ngục có hình tượng con hình nhân đỏ, họa sĩ lấy cảm hứng từ những con hình nhân thế mạng ở trong văn hóa tâm linh của người Việt để có thể thiết kế phục trang cho nó.
Rồi ở trong phim có những nhân vật như bà Vạn đưa đò thì nó cũng dựa theo cái tính cách, câu chuyện của nhân vật đó. Họ cần cái sự liêu trai, cần có sự bí hiểm ma mị thì dựa vào những yêu cầu đó thì Tấn và anh NaBongChua đã có thể làm nên những bộ phục trang rất hiệu quả về mặt hình ảnh và yếu tố nghệ thuật kể chuyện thông qua những yếu tố trong phim.
Trần Hữu Tấn: Ngoài ra, một lớp lang khác của những chi tiết như: Mặt nạ chuột, đám cưới chuột,… thì đều dựa theo những truyền thống tốt đẹp của đồng bào địa phương ta ở một số vùng thuộc các tỉnh phía Bắc.
Ví dụ chúng ta có những cái tục về đám cưới đêm đem lại điềm lành, rồi mặt nạ chuột đều được nghiên cứu kỹ để thực hiện một mong muốn nhỏ của phim là giúp khán giả trẻ có thể hiểu thêm về văn hóa tốt đẹp của cha ông ta.
Những yếu tố này nếu chúng ta không kể thì khán giả rất khó biết được, bởi vì ngay cả Tấn khi bắt tay vào làm mới biết được cái này và khi mình biết được. Mình đam mê nó, mình đào sâu vô nó thì mình mới thấy được là mình giống như con số 0, bởi vì những kiến thức về văn hóa địa phương quá hấp dẫn, quá đẹp và nó thôi thúc mình phải truyền tải nó thông qua tác phẩm điện ảnh này.
Tìm hiểu thêm: Suzy đã có cúp Thị hậu trong tay, chính thức vượt mặt IU sau 12 năm
Thông thường mỗi ekip làm phim chỉ làm một bộ phim trong cùng một giai đoạn vì nó quá tốn nhân lực, vật lực, tâm huyết rồi tâm trí của người sản xuất. Nhưng ekip của nhà ProductionQ lại làm song song hai dự án nối tiếp nhau, có nghĩa mình đang x2 năng suất làm việc của cả ekip.
Vì sao NSX Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn lại mạo hiểm để làm như vậy mà mình không cho mình một quãng nghỉ ở giữa Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn?
Hoàng Quân: Đây cũng chính là cái khó của Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn, thực ra đây là lựa chọn của mình thôi.
Như Quân có nói là mình qua đam mê bối cảnh trên đó và sau khi Quân, Tấn và tác giả Thảo Trang cùng làm việc trên Tết Ở Làng Địa Ngục thì mình nhận ra trong câu chuyện này có rất nhiều chi tiết mình có thể khai thác, làm mới hoặc xây dựng để trở thành một câu chuyện độc lập thì dựa vào hai yếu tố đó mà mình đã đưa ra một lựa chọn khó khăn là sản xuất liên tục ở trên làng suốt mấy tháng trời.
Làm xong mới thấy, bản thân quá liều còn lúc làm thì không nghĩ ngợi gì hết, chỉ nghĩ đúng một việc là: “Tôi rất muốn làm bộ phim này, tôi rất muốn kể câu chuyện này”.
Trần Hữu Tấn: Anh em nói vui với nhau là: “Không phải mình đang làm trực tiếp hai phim mà là làm một lúc bảy phim”. Tức là 12 tập của series Tết Ở Làng Địa Ngục sẽ tương đương với sáu phim điện ảnh, trung bình hai tập sẽ là một phim điện ảnh vì mỗi tập có thời lương 45 phút.
Thành ra nếu mình tính vui thì là 12 tập phim sẽ tương đương với sáu phim điện ảnh và thêm Kẻ Ăn Hồn nữa sẽ là phim thứ bảy. Mình nghe xong mình cũng hoảng luôn, mình chỉ biết là mình làm thôi rồi sau đó mọi người ngồi thống kê lại, bởi vì từ cách làm của mini-series Tết Ở Làng Địa Ngục tới Kẻ Ăn Hồn thì các yếu tố hoàn toàn giống nhau.
Nếu không có sự chung tay, cộng sức và đam mê của từng thành viên trong ekip thì sẽ không có bộ phim này, bởi vì có nhiều người nói với tôi là: “Mọi người ở nhà đi kiếm tiền, nhận một hai công việc qua ngày là có tiền liền, ở nhà với vợ con cho khỏe. Sao lại phải đi lên trên làng rồi quay một dự án dài hơi tận 109 ngày, rồi sương gió, không sóng điện thoại, không nước,…”.
Nhưng phải nói là mọi người trong ekip phải rất đam mê, tâm huyết với dự án này và phải rất yêu thương tôi với anh Quân thì mọi người mới có thể cùng chung tay xây dựng, hoàn thành bộ phim này.
Bởi vì phim ảnh là công sức của tất cả mọi người, bản thân Trần Hữu Tấn hay NSX Hoàng Quân tự làm thì không thể nào làm được nên nhân cơ hội này tôi cũng muốn gửi đến anh em trong ekip lời cảm ơn vì đã có những ngày cùng nhau vượt qua thử thách, gian khó, kể cả bệnh tật nữa nhưng cuối cùng chúng ta đã về đích.
Hoàng Quân: Để nghĩ lại giai đoạn làm sản xuất thì có rất nhiều cái đáng nhớ, Quân vẫn nhớ những ngày ekip phải chiến đấu với những cơn mưa rất lớn. Mà mọi người cũng biết làng vốn nằm trong một thung lũng và khi trời mưa xuống thì nước từ hai bên núi đổ xuống ào ào như lũ vậy đó.
Và mọi người sẽ cùng nhau đi đào những cái rãnh thoát nước để cứu base camp hoặc mưa gió nó làm sập hết những thứ mọi người đã xây và sau đó phải làm lại từ đầu. Riêng với Kẻ Ăn Hồn, cái ngày quay đầu tiên quay cảnh đám cưới chuột là quay ở trên đỉnh núi nên mọi người đã phải leo lên những vách núi cao khoảng 300m, thời gian leo khoảng 40 phút, thời gian quay thì vào buổi đêm.
Quân còn nhớ cái ngày đó, lúc mọi người quay được take đầu tiên thì bắt đầu trời mưa và mưa rất là lớn nên mọi người cứ phải chờ hoài. Trong tình huống đó, buộc Quân và Tấn phải đưa ra lựa chọn, một là mình đi về, hai là mình ngồi lại cho mưa ngớt để quay thì cuối cùng mọi người quuyết định chờ.
Ở trên núi ban đêm, trời rất là lạnh mà phải tắt đèn , phủ máy để ngồi chờ hết mưa và chờ tới 2 giờ sáng, lúc đó mưa mới ngưng để có thể quay được cảnh đám cưới chuột ở trong đêm.
Toàn bộ ekip đã có một ngày quay đầu tiên rất đáng nhớ. Tới ngày quay cuối cùng quay ở Thác Số 6 ở Hà Giang, địa điểm ở trong cánh rừng thì hôm đó quay tới khoảng chừng 11 giờ đêm thì lũ về. Mọi người biết một con suối cạn đang hiền hòa nhưng khi nước lũ về một cái là nó chia đôi hai bên luôn, đã không có ai rời khỏi đó được nếu muốn đi qua suối.
Lúc đó, toàn bộ ekip đã phải tháo dỡ toàn bộ thiết bị, di chuyển nhanh ra ngoài vì sợ lũ quét, thiết bị thì chuyển bằng dây cáp, còn người của ekip phải đi một con đường vòng khoảng 3km để ra khỏi cánh rừng thì Quân cảm thấy có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ trong quá trình quay dự án vừa rồi.
Cái khó tiếp theo ở việc sản xuất bộ phim Kẻ Ăn Hồn chính là dàn diễn viên, những diễn viên chính của phim là những bạn trẻ, có bạn mới chỉ đóng một, hai phim điện ảnh, phim truyền hình hoặc có những vai không quá lớn khiến khán giả “nhớ mặt đặt tên”. Vậy thì cái khó của hai anh ở khâu chọn diễn viên là như thế nào?
Và khán giả cũng thắc mắc thương hiệu ProductionQ đã có tiếng với những bộ phim kinh dị trong nhiều năm qua thì mọi người hoàn toàn có thể lựa chọn những sao hạng A, những nghệ sĩ lớn để làm bảo chứng phòng vé cho một tác phẩm chỉn chu của mình nhưng tại sao hai anh lại đặt cược, tự làm khó mình chọn một dàn diễn viên rất trẻ của điện ảnh Việt?
Trần Hữu Tấn: Tôi nghĩ có một điểm mình phải chia sẻ thật lòng đó là cả bốn dự án trước đây, tôi và NSX Hoàng Quân đều không casting bất kỳ diễn viên nào, bởi vì chúng tôi tin ở một câu chuyện phim kinh dị thì cái kịch bản, câu chuyện mới là yếu tố cốt lõi.
Dù là ngôi sao hạng A hay diễn viên bảo chúng phòng vé thì phải hợp cái kịch bản này và phải lột tả được nhân vật trong đó, vì vậy, tôi với anh Quân có một quan điểm là chúng tôi tìm nhân vật chứ không đi tìm người bảo chứng phòng vé. Khán giả của phim kinh dị rất khó tính, nếu một nhân vật mà họ không tin vào thì cả câu chuyện họ sẽ không tin vào.
Thực sự khi chọn Hoàng Hà hay Võ Điền Gia Huy vào những vai quan trọng quan của phim, đương nhiên sẽ có nhiều người họ thắc mắc, có những câu hỏi nhưng chúng tôi tin những sự lựa chọn này sẽ mang đến sự mới lạ cho khán giả và tiềm năng thực sự của dàn diễn viên, dù họ chưa từng đóng phim điện ảnh đi nữa.
Hoàng Quân: Trong việc lựa chọn các bạn diễn viên trẻ vào các vai quan trọng cũng có cái khó, là chuyện thuyết phục các nhà đầu tư và các đối tác tin vào lựa chọn của mình là chính xác.
Quân và Tấn quan trọng việc vượt qua cái khó trong việc thuyết phục khán giả tin vào nhân vật mà họ đang xem trên màn ảnh, điều gì cũng có hai mặt của nó, một gương mặt ngôi sao có thể thu hút khán giả trong giai đoạn đầu. Nhưng để thuyết phục khán giả tin vào nhân vật anh ấy/ cô ấy đang diễn là câu chuyện hoàn toàn khác, nó không liên quan gì tới hào quang hay danh tiếng của người nghệ sĩ đó mà phụ thuộc năng lực diễn xuất và độ hợp vai.
Khi mình đã quán triệt tư tưởng ban đầu là chúng tôi sẽ đi tìm nhân vật cho câu chuyện thì 50% mình đã bỏ qua được chuyện họ đang nổi tiếng thế nào? Còn 50% còn lai là việc Quân thuyết phục nhà đầu tư và các đối tác tin vào cảm giác, tầm nhìn của đạo diễn.
Có một diểm khá dễ nếu so phim kinh dị với các phim khác là cái danh tiếng của một ngôi sao nó không quá quan trọng với khán giả của dòng phim này. Khán giả phim kinh dị tin vào nhân vật hơn tin vào danh tiếng của một nghệ sĩ, cho nên đó là góc nhìn của chúng tôi trong việc lựa chọn diễn viên.
Mặc dù NSX Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn đã làm nhiều phim kinh dị từ điện ảnh đến series và có rất nhiều kinh nghiệm, nhưng rõ ràng việc kịch bản của phim dù các dán nhãn C18 thì vẫn phải có những chừng mực, không quá nặng nề.
Nên khán giả tò mò rằng cái khó của ekip Kẻ Ăn Hồn làm thế nào để từ lúc mình chuẩn bị kịch bản cho tới khi sản xuất, dựng phim để đảm bảo được bộ phim ra rạp vẫn đảm bảo được câu chuyện của phim đúng với ý của tác giả Thảo Trang và hai anh, giữ được độ kinh dị và hấp dẫn mà series Tết Ở Làng Địa Ngục đã làm quá thành công trước đó?
Trần Hữu Tấn: Tôi nghĩ điều quan trọng nhất khi chuyển thể một bộ phim kinh dị là phải theo nguyên tác trước đã. Ở đây, tôi luôn nói với anh Quân là chúng ta sẽ có những khó khăn ở cảnh này, khó khăn ở cảnh kia nhưng trên quan điểm nghề nghiệp thì tôi muốn có sự tôn trọng và trân trọng dành cho tác phẩm gốc.
Trước hết, mình phải làm bám theo tác phẩm, làm hết mình, bởi vì tôi tin rằng đó là cách chúng ta đang trân trọng người viết ra tiểu thuyết và ta cũng trân trọng những độc giả đã yêu thích tác phẩm tiểu thuyết. Đương nhiên trong quá trình chuyển thể, mình phải có sự tính toán, gia giảm để sao mà bộ phim thể hiện được ngôn ngữ điện ảnh, không làm mất đi ý nghĩa trong tác phẩm.
Cho nên đây là một sự tinh toán cẩn trọng và may mắn thay cả hai bộ phim đều có sự giám sát của tác giả Thảo Trang vì vậy quá trình chuyển thể cũng rất suôn sẻ.
>>>>>Xem thêm: Guardians of the Galaxy: Tại sao mọi người lại hiểu được tiếng Groot?
Hoàng Quân: Có vẻ mọi người đang rất quan tâm đến vấn đề kiểm duyệt nội dung Việt Nam thì Kẻ Ăn Hồn là tác phẩm thứ 5 ekip đã làm trên dòng phim kinh dị. Quân nghĩ mình cứ nghĩ nước mình đang khó, nhưng thật ra có những nước còn có luật khó hơn ở Việt Nam.
Nên mình hãy suy nghĩ để có thể làm câu chuyện một cách sáng tạo nhất mà vẫn có thể an toàn khi ra rạp thì đầu tiên chúng ta không nên quá chủ quan về một chi tiết hay tình huống nào đó trên phim.
Mặc dù, mình có kinh nghiệm nhưng cũng không nên chủ quan vì kinh nghiệm của mình mà mỗi tác phẩm sẽ có cái khó riêng và việc của chúng ta là giải bài toán đó chứ không thể dựa dẫm vào kinh nghiệm.
Đôi khi kinh nghiệm quá sẽ làm bộ phim mất đi độ tươi mới, Quân tin vào cảm xúc của mình khi tiếp xúc một câu chuyện kịch bản hơn và khi gặp nó rồi thì sẽ loại bỏ mọi kinh nghiệm mình đã có, bởi nó là một câu chuyện mới hoàn toàn. Cái khó của người có kinh nghiệm là làm sao giữ được độ tươi mới của từng bộ phim và không nên chủ quan.
Xin cảm ơn đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân về cuộc trò chuyện này với những chia sẻ hết sức chân thực của hai anh. Hi vọng khán giả sẽ lại sớm được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh mới đến từ bộ đôi Trần Hữu Tấn – Hoàng Quân, đó có thể tiếp tục là một tác phẩm kinh dị hoặc một bộ phim thuộc thể loại mới mà hai anh chưa từng thử sức.